Trong 10 chương trình công tác toàn khóa vừa được Thành ủy Hà Nội thông qua, Chương trình 04 đề cập đến nhiều nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, phát triển nông thôn và nâng cấp 8 huyện lên quận cho giai đoạn 10 năm tới.
Chương trình 04 đặt mục tiêu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.
Trong các nhiệm vụ được Hà Nội đề ra, TP sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị tại 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 là Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Hà Nội dự kiến có thêm 8 quận trong 10 năm tới. Ảnh: Hanoi.gov.vn. |
Về nguồn vốn, Hà Nội tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 83.700 tỷ đồng; từ doanh nghiệp, nhân dân là 8.980 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực chế biến, đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công và tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã quyết định đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện nói trên trở thành quận thuộc thành phố Hà Nội.
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện. 12 quận gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông.
17 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.