Ngày 5/5, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Ban quản lý Đường sắt thành phố tổ chức công bố điều chỉnh cục bộ mặt bằng tuyến cho phần đi ngầm (đoạn từ Km4+778,321 đến Km5+870,670) tỷ lệ 1/500 và tổng mặt bằng ga gầm C5 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2.
Đoạn điều chỉnh được xác định dài 1,1km thuộc địa giới của phường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) và phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Theo ông Ngô Quý Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, mục đích của điều chỉnh nhằm hạn chế kinh phí, thời gian giải phóng mặt bằng cũng như đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án. Quá trình điều chỉnh cục bộ góp phần giúp ngắn chiều dài cũng như nắn tuyến đường sắt số 2 được thẳng hơn so với trước đây.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN). |
Để có điều chỉnh trên, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã tiến hành xin ý kiến của các bên liên quan được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 1773.
Sau khi công bố quy hoạch và bàn giao quy hoạch cục bộ đoạn tuyến và ga đường sắt kể trên, Sở Quy hoạch đề nghị Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, Ủy ban Nhân dân hai quận Ba Đình và Tây Hồ tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa.
Đặc biệt, đối với các phường sở tại cần phải quản lý tốt việc xây dựng, không để người dân lấn chiếm xây dựng công trình trong phạm vi quy hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ thi công tuyến đường sắt số 2.
Tuyến đường sắt số 2, tổng chiều dài 11,5 km, sẽ có 3km đi trên cao và 8,5km đi ngầm. Điểm bắt đầu từ khu Nam Thăng Long (Ciputra) chạy theo đường Nguyễn Văn Huyên qua Hoàng Quốc Việt-Hoàng Hoa Thám-Thụy Khuê-Phan Đình Phùng-Hàng Giấy-Hàng Đường-Hàng Ngang-Hàng Đào-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Bài và điểm cuối cùng sẽ giao với Trần Hưng Đạo.
Dự án sử dụng vốn vay của nước ngoài và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, dự kiến tuyến đường sắt này có thể đi vào hoạt động vào năm 2022.