Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nước sông Tô Lịch hiện ô nhiễm nặng nề, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của người dân khu vực dọc hai bên sông.
Hà Nội đã tập trung triển khai các dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 trước đây và đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Sông Tô Lịch xanh trong khi được bổ cập nước từ hồ Tây. Ảnh: Quang Phong |
Sau khi dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động (từ ngày 1/12/2024, dự kiến hoàn thành toàn bộ hệ thống năm 2027), các nguồn nước bổ cập cho sông Tô Lịch được thu gom dẫn đến sông Tô Lịch sẽ bị cạn.
"Dự báo, đến hết giai đoạn 2026-2030, chưa thể hoàn thành việc bổ cập nước sông Hồng cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt", UBND TP Hà Nội báo cáo.
Theo TP Hà Nội, việc sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch để đảm bảo cảnh quan, khắc phục ô nhiễm môi trường được xác định là nhiệm vụ cấp bách của thành phố. Thời gian tới vào mùa khô, sông Tô Lịch sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cảnh quan đô thị.
Để triển khai một dự án cấp nước bổ cập nước nhanh, kịp thời cho sông Tô Lịch hiện nay với tính khả thi cao, phù hợp điều kiện thực tế của thành phố, cần thiết phải triển khai theo phương án xây dựng công trình khẩn cấp.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.
Hiện TP Hà Nội chưa thông tin phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, phương án khả thi là đặt trạm bơm ở sông Hồng để lấy nước và dẫn nước về sông Tô Lịch bằng hệ thống ống dẫn.
Khi đi qua đê, ống nước đi trong cống hộp bêtông cốt thép để đảm bảo an toàn đê trong mọi tình huống. Ống dẫn nước sau đó sẽ chạy dọc đường Võ Chí Công về điểm đầu sông Tô Lịch (đoạn mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt). Tại điểm đầu sông có thể xây dựng một bể lắng để làm giảm lượng phù sa của sông Hồng, trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch có chiều dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt, điểm cuối có hai hướng thoát, thứ nhất thoát ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và hướng thứ hai thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở có công suất 90 m3/s, bơm cưỡng bức ra sông Hồng.
Thống kê của Sở Xây dựng, hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ).
Từ thực tế trên, thành phố dự báo sông Tô Lịch vào mùa khô tới sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cảnh quan đô thị. Để triển khai một dự án bổ cập nước nhanh, kịp thời cho sông Tô Lịch với tính khả thi cao, phù hợp điều kiện thực tế của Hà Nội, công trình "phải triển khai theo phương án xây dựng khẩn cấp".