Một góc khu công nghiệp tại Bắc Giang. |
Trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định dồn lực đầu tư cho dự án đường Vành đai 4 - vốn được coi là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế thành phố trong 5 năm tới. Điều này cũng đồng nghĩa hai địa bàn có Vành đai 4 đi qua là Bắc Ninh và Hưng Yên cũng sẽ hưởng lợi nhất định. Về hình thức huy động vốn, Hội đồng thẩm định cho hay, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước khó khăn, căn cứ quy định của Luật PPP và kết quả tính toán sơ bộ phương án tài chính các dự án thành phần, Tập đoàn Vingroup kiến nghị phương án phân chia dự án thành ba dự án thành phần để huy động vốn.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định cũng kiến nghị giải pháp: để thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án, các địa phương nơi tuyến đường đi qua sẽ huy động các nguồn lực cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ dự án thành phần 3. UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong hơn 94 nghìn tỷ đồng đầu tư cho tuyến đường, các địa phương như tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương tham gia cùng Hà Nội để làm đường Vành đai 4.
Cụ thể, với 3 phân kỳ đầu tư, trong đó dự án thành phần 1: trong 24.242 tỷ đồng cho công tác GPMB thì tỉnh Hưng Yên chi khoảng 3.140 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh chi khoảng 2.950 tỷ đồng; thành phố Hà Nội chi khoảng 18.140 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành, khoảng 9.399 tỷ đồng, dự kiến đề xuất đầu tư công và đang tìm nguồn hỗ trợ.
Với dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc khoảng 60.486 tỷ đồng, hình thức đầu tư PPP.
Theo đại diện Hội đồng thẩm định thành phố Hà Nội, việc có sự tham gia của Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, dự án có gần 50% vốn đầu tư là ngân sách công. Thực tế này giúp dự án khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian thi công, giảm phí hoặc giảm trả quyền lợi cho nhà đầu tư theo hình thức đầu tư PPP.