Lời dặn hết lòng thương yêu bệnh nhân
Anh Nguyễn Thanh Hóa, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam kể câu chuyện, một lần tình cờ có một phụ nữ tìm đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hỏi mua cuốn sách Khí công của GS. Hoàng Bảo Châu. Lý do là vì chị đọc được trên website của Trung tâm danh mục những công trình nghiên cứu trong Hồ sơ khoa học của Giáo sư.
Người phụ nữ này nói rằng rất muốn có được cuốn sách để tập luyện và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, tìm khắp các hiệu sách ở Hà Nội, nhờ người tìm kiếm cả ở thành phố Hồ Chí Minh, chị vẫn không sao có được.
Thấy sự tha thiết của vị khách không quen biết, anh Hóa liền tặng cho chị đúng cuốn sách chị cần. Cuốn sách này anh Hóa được chính GS. Hoàng Bảo Châu tặng. Sau đó, anh Hóa kể lại chuyện này với GS. Hoàng Bảo Châu. GS. Hoàng Bảo Châu đã cười rất vui và cho rằng nếu làm được gì tốt cho người khác thì cứ làm.
GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu. |
Sinh năm 1929, cả cuộc đời của GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu gắn liền với sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, nghiên cứu kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong việc điều trị và chữa bệnh cho mọi người.
Thuộc thế hệ y, bác sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, con đường GS. Hoàng Bảo Châu đặc trưng, tiêu biểu cho một thế hệ các bác sĩ luôn làm việc với sự nhiệt thành lớn nhất, tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân.
Trò chuyện với PV Tri thức & Cuộc sống, GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu chia sẻ, khi ông học tiểu học thì cha ông mất, mẹ ông tảo tần nuôi các con ăn học.
Tháng 11/1950, GS. Hoàng Bảo Châu (khi đó đang là giáo viên) được Sở Y tế Liên khu III giới thiệu lên học Đại học Y Việt Bắc. Đến ngày tập trung, ông nhận được tin mẹ ốm nặng. Không yên lòng, ông xin ở nhà phụng dưỡng mẹ, Mẹ ông đã nói với con trai, nhất định phải đi học. “Cuộc đời con người sống chết có số, nếu số mẹ phải chết thì dù con ở nhà mẹ vẫn chết”, nghe lời mẹ, ông nén nước mắt đến trường, bắt đầu hành trình của người thầy thuốc.
GS. Hoàng Bảo Châu chia sẻ. ông may mắn được học những người thầy lớn, trong đó có GS. Hồ Đắc Di, GS. Tôn Thất Tùng. Các thầy đã truyền cho ông tình yêu đối với nghề, tinh thần lạc quan, đặc biệt là đạo đức của một người hành nghề cứu chữa bệnh nhân.
“Những năm đó cuộc sống rất khó khăn, quanh nhà còn có cả dấu chân cọp. Tôi nhớ GS. Hồ Đắc Di rất hay pha trò, kể những câu chuyện vui để các học trò quên đi nỗi vất vả. Còn GS. Tôn Thất Tùng luôn chỉ bảo học trò rất cặn kẽ. Đường về nhà qua con suối, thầy Tùng thường hay mang theo con dao để gặp rắn rết, thú dữ còn chém.
Chúng tôi không chỉ được học ở các thầy những kiến thức về chuyên môn mà còn ở nhiều phẩm chất quý, tinh thần vượt khó vượt khổ, lạc quan, và đặc biệt là y đức. Các thầy luôn dặn, đã làm nghề y phải hết lòng thương yêu bệnh nhân. Và cả cuộc đời tôi cũng luôn làm theo lời dạy của các thầy”, GS. Hoàng Bảo Châu chia sẻ.
“Hiện đại hóa” sách y học cổ truyền
GS. Hoàng Bảo Châu được coi là cây đại thụ của nền y học cổ truyền. Ông am hiểu tinh thông về các bài thuốc thảo dược chữa bệnh cùng với những kiến thức chuyên khoa Y học cổ truyền ở cấp độ chuyên gia.
Cả đời làm nghiên cứu, giảng dạy, ông luôn theo đuổi, tìm tòi để kết hợp những thành tựu của y học cổ truyền với sự tiến bộ của nền y học hiện đại nhằm cứu chữa, giúp đỡ nhiều nhất cho người bệnh.
GS. Hoàng Bảo Châu chia sẻ, trước khi có Tây y, thì cả ngàn năm trước, người dân ta vẫn dựa vào cây cỏ, những kinh nghiệm quý báu của cha ông để chữa bệnh. Nếu bỏ mất những điều đó sẽ rất đáng tiếc.
Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại là một đường lối đúng đắn. Mỗi lĩnh vực sẽ có những mạnh, yếu riêng, từ đó để có sự kết hợp phù hợp và hiệu quả nhất.
Để làm được việc này, theo GS. Hoàng Bảo Châu phải có được một đội ngũ thầy thuốc hiểu rõ Đông – Tây y.
Với mong muốn để các lương y cũng có thể đọc được dễ dàng những y văn cổ, GS. Hoàng Bảo Châu đã viết sách Y học cổ truyền bằng ngôn ngữ hiện đại, gồm: "Lý luận cơ bản y học cổ truyền (1995-1996), Phương thuốc cổ truyền" (1995, 1997), "Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng (1999), Kim quỹ bệnh học" (2012), "Nội dung cơ bản của Nội Kinh" (2016).
“Mỗi cuốn sách cũng viết mất hải mất vài năm. Một số lương y đọc sách cũ có thể không hiểu, nhưng viết theo kiểu mới thì sẽ hiểu ngay”, GS. Hoàng Bảo Châu nói.
GS. Hoàng Bảo Châu chia sẻ, niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông đó là được phục vụ bệnh nhân. Một kỷ niệm mà ông rất nhớ, đó là những năm xảy ra dịch bại liệt lớn ở nước ta, những em bé mới bị bại liệt đến châm cứu ngay thì khỏi 90%, đến sau 1 tháng còn 10%, đợi 1 năm mới đến còn vài ba %. Đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh, và có khi là thay đổi cả một số phận, cuộc đời, đó là hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc.
GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu nguyên là Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam.
GS. Hoàng Bảo Châu đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (2012); Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội về thành tích trong viết Bách khoa thư Hà Nội phần mở rộng - Tập Y tế (2017);
Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông (Bộ Y tế) năm 2011; Danh hiệu: “Thành tựu cống hiến cho hoạt động Hội Y học quốc gia” tại Hội nghị MASEAN 18 (Hội nghị Hội Y học các nước Đông Nam Á) - Giải thưởng Dr. M.K. Rajakumar do Hội Y học Malaysia tặng (2018).
Danh hiệu Trí thức tiêu biểu Tổng hội Y học Việt Nam lần thứ nhất năm 2019.
GS. Hoàng Bảo Châu là 1 trong 106 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu được tôn vinh năm 2022.
* Bài viết nằm trong tuyến bài tuyên truyền về Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 (diễn ra ngày 21/05/2022) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Mời quý độc giả xem video: Xem video "GS TS Trần Quang Hải trình diễn kỹ thuật đồng song thanh". Nguồn Vietnamnet