Ngày 12/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội”. Hội thảo được tổ chức bằng 2 hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới hội ngành trung ương và các Liên hiệp hội địa phương.
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng, PCT VUSTA Phạm Quang Thao; TTK VUSTA Nguyễn Quyết Chiến chủ trì hội thảo. |
Theo Bộ Nội vụ, sau 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đến nay, nhiều nội dung của Nghị định không còn phù hợp, chưa bao quát, điều chỉnh hết các vấn đề trong thực tiễn quản lý đặt ra.
Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hội trong thời gian vừa qua đặt ra nhiều vấn đề như: thiếu chế tài xử lý vi phạm, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, công tác kiểm tra, quy trình, thủ tục thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất,... chưa đảm bảo tính chặt chẽ; thiếu quy định việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội khi địa phương thay đổi địa giới hành chính các cấp.
Do đó, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết được các vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn quản lý hội; có đủ căn cứ pháp lý xử lý các sai phạm trong tổ chức, hoạt động của hội; đổi mới và nâng cao phương thức hoạt động của hội theo hướng tự chủ, tự quản; từng bước xóa bỏ xu hướng "hành chính hóa" hoạt động của hội; giảm bớt gánh nặng của ngân sách, chỉ hỗ trợ nguồn lực, kinh phí theo các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước…
Các đại biểu tham gia hội thảo. |
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội còn nhiều bất cập như: Tại Khoản 2, Điều ghi: “Đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế đã được giao thì được ngân sách nhà nước khoán kinh phí hoạt động theo số biên chế đã giao”. Nêu như vậy là chưa đầy đủ, dễ được hiểu là nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao được khoán theo số biên chế đã giao. Có 2 nội dung: khoán kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao và giao kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Bởi vì nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao thay đổi hàng năm tùy theo yêu cầu cho nên không thể khoán trắng theo số biên chế được giao, tức là không thay đổi cho dù số lượng và quy mô các nhiệm vụ thì thay đổi tùy theo tình hình.
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 liên quan đến phụ cấp công vụ lại chỉ quy định đối tượng được hưởng phụ cấp công phụ chỉ được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 là chưa thỏa đáng. Nên bổ sung thêm đối tượng cũng phải được hưởng phụ cấp công vụ ghi tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 bởi vì đối tượng này cũng là công chức nằm trong chỉ tiêu biên chế; Như Điều 12 về cơ sở dữ liệu về hội, Điều này quy định về việc lập và quản lý dữ liệu thông tin về hội. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về hội. Cần quy định rõ là trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý có liên quan chứ không phải là nhiệm vụ của hội nhằm không gây thêm khó khăn cho các hội trong điều kiện đa số các hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, không có điều kiện, nhất là kinh phí và cơ sở vật chất để lập và quản lý cơ sở dữ liệu của hội.
Điểm c, khoản 4, Điều 14 về thời hạn có hiệu lực của Ban vận động thành lập hội, tại điểm này quy định thời gian hoạt động có hiệu lực của Ban vận động chỉ có 1 năm là không có căn cứ và thiếu tính thực tế. Việc vận động thành lập hội, vận động để có hội viên tham gia vào hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà Ban vận động không thể tự quyết định được. Vì vậy, thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào số lượng hội viên mà Ban vận động có thể vận động được. Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét lại thời gian hoạt động có hiệu lực của Ban vận động cho phù hợp với thực tế.
Hay tại Điểm b, Khoản 2 Điều 22 quy định: “số lượng thành viên Ban lãnh đạo hội chiếm khoảng 10% số lượng hội viên chính thức nhưng tối đa không quá 85 thành viên Ban lãnh đạo hội” là không có căn cứ và chưa thỏa đáng bởi số lượng thành viên Ban lãnh đạo, được hiểu là Ban Chấp hành phụ thuộc vào số lượng, quy mô hội viên và hội thành viên của hội, cần xem xét lại quy định số lượng thành viên Ban lãnh đạo hội tối đa không quá 85 thành viên.
Nguyên PCT kiêm TTK VUSTA Khóa VII Phạm Văn Tân điểm cầu Hà Nội phát biểu ý kiến. |
Theo các đại biểu, Khoản 4, Điều 23 quy định: “Điều lệ hội chỉ có giá trị thực hiện trong nhiệm kỳ hiện tại”... là không thỏa đáng, không cần thiết và gây nhiều hệ lụy không mong muốn. Nếu áp dụng theo quy định này thì đại hội nào của hội cũng phải thông qua điều lệ và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lại. Thực tiễn thì điều lệ đã được đại hội thông qua và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ có hiệu lực cho tới khi hội thấy cần phải sửa lại điều lệ cho phù hợp với yêu cầu đặt ra. Không cần thay đổi, bổ sung nội dung điều lệ thì không cần đại hội thông qua và cũng không cần thiết cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lại.
Khoản 1, Điều 41 quy định về quyền của hội “tham gia với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực hoạt động của hội”. Thực tiễn nhiều hội, nhất là những hội được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội, nghề nghiệp, hội có đảng đoàn còn có quyền tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm cụ thể là: “Tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề về chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là những vấn đề về hội quần chúng; Tham gia với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội”...
Kết luận hội thảo, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học VUSTA đã rất tâm huyết, thẳng thắn, khách quan, trên tinh thần xây dựng, nhằm góp phần giúp các cơ quan soạn thảo Nghị định tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ để sớm ban hành.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc Hội nghị: