Thực tế, mức tăng giá cao kể từ đầu năm 2021 đến nay phần lớn tập trung ở các mã ngân hàng TMCP như TCB, VPB, VIB, LPB…
Đơn cử cổ phiếu VPB của VPBank đóng cửa 20/5 ở mức hơn 66.800 đồng/cp đã tăng gần 100% so với đầu năm. Trong những ngày tăng giá của cổ phiếu này, có yếu tố cộng hưởng là thương hiệu FE Credit của ngân hàng này cuối tháng 4 được công bố định giá 2,8 tỷ USD và sẽ bán cho nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Mitsui 49% đã làm cho cổ phiếu ngân hàng mẹ VPB tăng 18%.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã nâng khuyến nghị lên "khả quan" đối với cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu một năm sau điều chỉnh là 70.000 đồng/cổ phiếu.
Mức tăng trưởng ấn tượng của VPB. |
Cùng nằm trong xu hướng hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài còn có cổ phiếu STB của Sacombank cũng có mức tăng giá trên 27.000 đồng/cp, sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 48,2 triệu cổ phiếu tương đương với 2,7% giá trị vốn hóa của ngân hàng này trong hơn một tháng gần đây.
Hay như cổ phiếu TCB của Techcombank là cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ đặc biệt hút sự chú ý của nhà đầu tư đạt mức 50.200 đồng/cp kết phiên 20/5. Trong 10 phiên giao dịch gần đây, thanh khoản của cổ phiếu này rất cao, đạt bình quân hơn 10 triệu đơn vị mỗi phiên.
Mới đây, ngân hàng JPMorgan đã nâng định giá cổ phiếu TCB từ 45.000 lên 55.000 đồng/cp, (2,4 USD/cổ phiếu) tính tới tháng 12/2021, được tính toán dựa trên mô hình chiết khấu cổ tức 2 giai đoạn.
Cũng theo JP Morgan, Techcombank có thể duy trì mức vốn chủ sở hữu ổn định, khiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) được ước tính sẽ tăng trưởng bền vững liên tục trong thời gian tới.
TCB cũng bùng nổ. |
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng phi mã trong thời gian gần đây như LPB (+82%), VIB (+78%), NVB (+58%),…
Sờ vào có 'phỏng tay'?
Nếu theo dõi, thị trường chứng khoán có sự phân hoá mạnh, dòng tiền gần như chỉ đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán, trong khi các nhóm ngành biến động khá ít, lượng giao dịch cũng không đột biến.
Nhiều ý kiến đang lo ngại nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tăng quá nóng khiến rủi ro thị trường gia tăng.
Còn nhớ vào thời điểm đầu năm (ngày 5/1), TS. Nguyễn Đức Hưởng - Cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB) nhận định giá cổ phiếu ngân hàng lúc đó đang lên nhưng khi sang năm mới Tân Sửu, các ngân hàng sẽ "cực kỳ khó khăn" vì "điểm rơi của các đợt giãn nợ COVID sắp đến, room tín dụng bị bó buộc, huy động vào rồi không cho vay ra được".
"Sau Tết Nguyên đán, các anh chị nên bán cổ phiếu ngân hàng đi. Ngân hàng cực kỳ khó khăn", ông Hưởng khuyên, đồng thời cho biết thêm ông đã có 20 năm kinh nghiệm phân tích chứng khoán.
"Bản thân tôi có giải pháp chơi chứng khoán riêng của tôi nên gần như không bị mất tiền trên sàn chứng khoán. Tôi đã đúc kết ra những quy luật xuất hiện nhiều năm.
Chứng khoán tạm thời đang thắng bất động sản cuối năm nhưng sau quý I, chứng khoán sập, bất động sản lên", TS. Nguyễn Đức Hưởng phát ngôn trong ngày 5/1.
Ngược lại, trong báo cáo chuyên đề về tăng vốn vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng mùa đại hội cổ đông năm 2021 đang dần kết thúc nhưng chuyện tăng vốn mới chỉ bắt đầu nóng những ngày gần đây, trong đó có ngành ngân hàng.
Mức tăng của các cổ phiếu ngành ngân hàng từ đầu năm tới nay. |
Năm nay, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm việc tăng qua chia tách cổ phiếu; phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; phát hành cổ phiếu lựa chọn cho nhân viên (ESOP).
Về chia cổ tức, từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC, trừ các ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank được chia cổ tức tiền mặt…
Riêng Techcombank, VPBank, Sacombank không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ 2018, trong khi hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn những năm trước.
SSI cho rằng cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá. SSI Research vẫn nhìn thấy cơ hội ở các cổ phiếu như CTG, TCB và VCB, và đưa VPB, TPB và STB vào danh sách theo dõi do có yếu tố tác động tích cực đến từ việc tăng vốn và lợi nhuận hồi phục sau khi xử lý hết nợ xấu (như STB).