Hiện, đã có trên 1.383 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất cho 121.505 người lao động, với gần 436 tỷ đồng; tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết tháng 5/2020 là 343.376 người, với 6.028 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước Việt Nam cho biết, đã thực hiện giải ngân hơn 10,5 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho 10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh. Phần lớn người được hỗ trợ thuộc nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo (riêng nhóm đối tượng này, 10.122.075 người, với số tiền hơn 10.447 tỷ đồng đã giải ngân). Trong khi đó, việc triển khai hỗ trợ nhóm đối tượng là lao động tự do, lao động tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn chậm (46.551 người, với số tiền 50,546 tỷ đồng).
BHXH Việt Nam cũng cho biết, tính đến ngày 10/6/2020, có trên 1.383 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất cho 121.505 người lao động, với tổng kinh phí gần 436 tỷ đồng.
Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH nêu lý do việc hỗ trợ người lao động ít hơn so với dự kiến ban đầu do tiêu chí, điều kiện đặt ra quá chặt chẽ. Cụ thể, do quy định doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ phải chứng minh tài chính nên doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Ngày 23/6, Bộ LĐ-TB&XH đã ra Công điện số 05/CĐ-LĐTBXH về việc đôn đốc hoàn thành tiến độ triển khai Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh hầu hết các địa phương đã hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, hiện nay, một số địa phương triển khai còn chậm, việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết 42, Quyết định 15 chưa được quan tâm đúng mức, số người được hỗ trợ chưa nhiều, số hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động được phê duyệt còn ít, đặc biệt là hồ sơ đề nghị vay vốn để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để đảm bảo hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết 42, Quyết định 15 trong cả nước theo đúng tiến độ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện các địa phương tập trung cao độ triển khai để cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng trong tháng 6/2020.
Đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động trong danh sách đã được rà soát, phê duyệt theo đúng quy định, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đúng quy định, nhất là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động; Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42, Quyết định 15, gửi báo cáo về Bộ LĐ-TB&XHđể tổng hợp.