Kết thúc năm 2022, VN-Index đã rớt mất 491,19 điểm, tương đương bốc hơi 32,7% trong khi cả năm 2021 tăng gần 36%. Còn trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm mạnh hơn khi mất đến 268,68 điểm, tương ứng giảm 56,7% so với cuối năm trước.
Ngoài việc các chỉ số giảm sâu cho thấy hàng loạt cổ phiếu đã lao dốc, thanh khoản thị trường cũng èo uột khi nhà đầu tư hầu như đứng ngoài.
Nhà đầu tư chứng khoán đã có một năm buồn khi nhiều cổ phiếu lao dốc. Thậm chí rất nhiều mã đã giảm 50 - 60% và vẫn chưa hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, có vẻ thị trường đã đi qua giai đoạn xấu nhất. Nhưng cũng chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan khi kinh tế thế giới vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn.
Chứng khoán 2023 hi vọng khởi sắc |
Chẳng hạn, Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn. Theo đó, VN-Index trong năm 2023 sẽ dao động trong vùng điểm số khoảng 900 - 1.200 điểm.
Góc nhìn tích cực hơn, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng VN-Index đạt 1.300 - 1.350 điểm trong nửa cuối 2023 trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần. VNDirect cho rằng năm 2023 cả nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau.
Theo đó, trong những tháng đầu năm 2023, nguyên nhân khiến thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.
Trong báo cáo chiến lược triển vọng TTCK năm 2023, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra hai kịch bản chỉ số VN-Index ở thời điểm cuối năm 2023. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo vùng điểm hợp lí của VN-Index ở mức 1.240 điểm, tương ứng với mức tăng 8,05% của EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX, vùng P/E mục tiêu là 12 lần.
Xuyên suốt cả năm 2023, KBSV cho rằng 4 yếu tố mang tính định hình xu hướng thị trường sẽ có diễn biến như sau trong kịch bản cơ sở, đó là các hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc trở lại bình thường đầu quý 2/2023 sẽ mang lại một số tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam nhưng không gây áp lực quá mạnh lên lạm phát toàn cầu
FED sẽ chỉ có thêm hai lần tăng 25 điểm cơ bản vào quý I/2023 và bắt đầu hạ lãi suất vào quý IV khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhẹ; Tốc độ tăng cung tiền M2 về gần mức trước dịch và mặt bằng lãi suất trong nước hạ nhiệt dù vẫn ở mức cao; Không có sự đổ vỡ trên diện rộng ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong kịch bản tiêu cực khi 4 yếu tố trên diễn biến không thuận lợi, chỉ số VN-Index được dự báo giảm về mốc 880 điểm cuối 2023, tương ứng mức giảm EPS 8% và P/E ở mức 10.x.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đưa ra ba kịch bản cho thị trường trong năm 2023, trong kịch bản cơ sở, sau giai đoạn tích lũy và vượt kênh giá giảm, TPS cho rằng đây là tín hiệu xác nhận cho việc thị trường đã tạo đáy và đồng thời kết thúc sóng điều chỉnh C để chuyển sang Uptrend. Trong kịch bản này, mức giá mục tiêu mà chỉ số có thể hướng đến là vùng 1.000 - 1.200 điểm.
Với kịch bản tích cực, mục tiêu giá, upside của thị trường sẽ gia tăng và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng giá quanh mức 1.320 điểm, tương đương vùng đỉnh tháng 6 và tháng 8 vừa qua.
Ở kịch bản tiêu cực, sau khi không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy tháng 11 là 873 điểm để hồi phục theo mẫu hình hai đáy (double bottom) trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm.