Clip robot Asimo của Nhật Bản:
Theo The Time of India, tổ chức Future Foundation - được ủy quyền bởi công ty phần mềm Infosys - đã tiến hành khảo sát đối với gần 9.000 người trẻ trong độ tuổi 16-25 tại 9 quốc gia: Australia, Brazil, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nam Phi và Mỹ.
Kết quả cho thấy, gần một nửa số lao động trẻ tại các nước châu Âu cho rằng, nền giáo dục tại quê nhà không trang bị cho họ những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết.
40% người được khảo sát lo sợ máy móc có thể cướp nghề nghiệp của họ trong vòng 10 năm. Ảnh: Reuters. |
Đó là lý do khoảng 80% số người tham gia khảo sát nói rằng, họ phải chủ động, thường xuyên trau dồi các kỹ năng mới không có trong chương trình dạy của nhà trường để bù đắp những lỗ hổng của bản thân. Sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ khiến nhiều bạn trẻ lo sợ nguy cơ mất việc vào tay robot và những hệ thống máy móc thông minh.
Vishal Sikka - giám đốc điều hành tại Infosys - nhận định: “Ngành công nghệ đang dịch chuyển với tốc độ vượt xa dự đoán của 10 năm trước, trong khi hệ thống giáo dục vẫn gắn bó với nghề nghiệp được thiết kế cho xã hội nông nghiệp cách đây 300 năm.
Bởi thế, chúng ta phải chuyển đổi từ việc tập trung học những thứ đã lỗi thời sang nền giáo dục mới, khám phá điều mới lạ”.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, các bạn trẻ đến từ nền kinh tế mới nổi có thái độ lạc quan về triển vọng nghề nghiệp, cao hơn hẳn những đối thủ sống tại quốc gia có nền công nghiệp máy tính và nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Những người trẻ tuổi tại nền kinh tế mới nổi có thái độ lạc quan về kỹ năng IT của họ hơn hẳn các bạn đến từ nền kinh tế phát triển. Ảnh: The Guardian. |
Tại Ấn Độ, 60% người được khảo sát tin rằng, họ trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này, trong khi tại Pháp, con số này chỉ là 25%.
Khảo sát cũng cho thấy, 54% người trẻ 16-25 tuổi tại Anh đánh giá mức độ tự tin về chuyên môn nghiệp vụ của họ đạt 7/10 điểm. Trong khi, con số này đạt 77,9% tại Brazil, 77,6% tại Ấn Độ, 67,3% tại Nam Phi và 67,1% tại Trung Quốc.
Ông Vishal Sikka cho biết thêm: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ phát triển trong môi trường chuyển giao kỹ thuật số lớn mạnh này, hệ thống giáo dục cần đưa khoa học máy tính và công nghệ đi sâu hơn vào chương trình giảng dạy. Không chỉ vậy, cần chú trọng tới việc học tập, thực nghiệm, nghiên cứu suốt đời”.