Theo bài viết với tiêu đề “Lễ Truyền dầu năm nay sẽ được tổ chức ở đâu?” của Giuse Văn Nhân được đăng trên website Giáo phận Bùi Chu (tại địa chỉ gpbuichu.org) ngày 17/4 cho biết: Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính Toà sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019.
“Do đó, có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính Toà cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm” - Giuse Văn Nhân viết.
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng và hoàn thành năm 1885 (134 tuổi) là một công trình kiến trúc nghệ thuật và văn hoá. (Ảnh: Hiện trạng khảo sát của nhóm kiến trúc sư, chuyên gia di sản ngày 29/4).
Như vậy, theo dự kiến trên chỉ còn 11 ngày nữa nhà thờ Bùi Chu có lịch sử 134 năm – tuổi đời ngang ngửa nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (năm 1880) và nhà thờ Lớn Hà Nội (1886) sẽ hạ giải.
Theo TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên (ĐH Kiến trúc TP.HCM), “hạ giải" là hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng. Vì vậy việc hạ giải là để phục vụ công tác trùng tu.
“Tuy nhiên, trong trường hợp này so sánh trên bản vẽ và hiện trường thi công kết cấu gỗ nhà thờ Bùi Chu sẽ được xây mới hoàn toàn” – TS. KTS Hạnh Nguyên cho hay.
Được biết, trong 2 ngày 29 - 30/4 vừa qua, một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát tại nhà thờ Bùi Chu, dưới sự "giám sát online" từ TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên và ThS. KTS Cao Thành Nghiệp - Giám đốc Ban quản lý dự án trùng tu trụ sở Tòa án nhân dân TP.HCM.
Bên trong nhà thờ Bùi Chu (Ảnh: Hiện trạng khảo sát của nhóm kiến trúc sư, chuyên gia di sản ngày 29/4). |
Đánh giá sau 2 ngày khảo sát, nhóm kiến trúc sư nhận thấy công trình chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc.
Trong khi đó, kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm.
Cũng theo nhóm kiến trúc sư, tường ngoài nhà rêu mốc vì lâu năm không được tu sửa, việc này khắc phục đơn giản.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, nhóm kiến trúc sư này cùng với nhiều kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản trên khắp cả nước đã cùng ký "Đơn đề nghị cứu xét" gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định xem xét can thiệp giữ lại nhà thờ Bùi Chu.
Nhà thờ Bùi Chu có những nét kiến trúc riêng khác không thấy ở các nhà thờ Việt Nam với nhiều chi tiết cầu kỳ (Ảnh: Hiện trạng khảo sát của nhóm kiến trúc sư, chuyên gia di sản ngày 29/4).
Nêu tại đơn kiến nghị này, các kiến trúc sư, nhà bảo tồn khẳng định: Nhà thờ chánh toà Bùi Chu được xây dựng và hoàn thành năm 1885 (134 tuổi) thực sự là một di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hoá, được cha ông từ đời trước dày công tạo dựng, một tác phẩm kiến trúc độc đáo không có nơi nào ở Việt Nam có được, xứng đáng là di sản văn hoá quốc gia.
Cũng theo nhóm kiến trúc sư, nhà bảo tồn, theo thông báo công trình sẽ đại tu vào ngày 13/5/2019 nhưng qua khảo sát và đọc bản vẽ chúng tôi nhận thấy không phải như vậy. Đây là việc đập bỏ di sản để xây dựng công trình mới với hình thức và quy mô khác nhiều so với công trình hiện trạng.
“Tại công trường và theo bản vẽ thiết kế mới mà nhóm có được công trình đang được thực hiện xây mới” – đơn cứu xét nêu.
Cùng những phân tích từ nhiều yếu tố lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị về xã hội…nhóm kiến trúc sư, nhà bảo tồn kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo tạm dừng việc phá dỡ di sản, chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia, xem xét đưa công trình vào diện cần phải bảo tồn tôn tạo theo luật Di sản văn hoá Việt Nam.
Giáo phận Bùi Chu cũng có ý nghĩa xã hội quan trọng là nơi đầu tiên được công nhận giáo phận đầu tiên ở Việt Nam (năm 1533).
Những hàng cột gỗ lim đặt trên những bệ đá điêu khắc tinh xảo. |
Theo nhiều kiến trúc sư, những hình ovan 3 lá trên trần nhà thờ Bùi Chu là biến thể của Thiên chúa giáo, không thấy ở các nhà thờ Việt Nam với nhiều chi tiết cầu kỳ là dấu ấn nhận biết ngôi thánh đường này xuất hiện từ những góc nhỏ của ô cửa sổ đến góc cao của trần thánh đường. Hình ảnh kết hối ba hình ovan vừa thể hiện đường nét ba rốc cổ kính vừa thể hiện nét phương đông tạo ra không gian đa dạng, phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại.
Công nghệ xây dựng của công trình cũng rất đặc biệt với khung nhà bằng tường gạch chịu lực kết hợp những hàng cột gỗ lim đặt trên những bệ đá điêu khắc tinh xảo.
Trần nhà thờ chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương trong đó có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc.
Theo đánh giá dựa trên các quy định về xếp hạng công trình di tích của Việt Nam nhóm kiến trúc sư, nhà bảo tồn cho rằng: Nhà thờ Bùi Chu xứng đáng là di sản văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia.