iPhone 7 hệ điều hành 'Android' giá vài triệu ?
Trong vai người có nhu cầu mua điện thoại iPhone, chúng tôi liên lạc với số điện thoại 0938716xxx, đại diện một shop online trên Sàn Giao dịch Thương mại Điện tử Sen Đỏ (www.sendo.vn).
Người đàn ông cho biết, shop của anh ta có nhiều loại điện thoại cao cấp xách tay từ Đài Loan nên giá rẻ. Cụ thể, iPhone 7 Plus giá 2,8 triệu đồng, 6 Plus giá 2,5 triệu đồng, 6s Plus giá 2,4 triệu đồng…
Nhân viên giao hàng iPhone 7 Plus "đểu" cho chúng tôi trên đường Lý Thường Kiệt, TP HCM. Ảnh Đại Việt |
Chúng tôi đồng ý giao dịch một chiếc iPhone 7 Plus. Người đàn ông nói với chúng tôi sẽ cho nhân viên mang điện thoại đến. Ngay sau đó, một nhân viên nam gọi điện thông báo sẽ giao dịch trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10).
Gặp nhau tại điểm hẹn, nam nhân viên lấy từ trong balô ra một chiếc hộp giống y hệt hộp của iPhone. Mở ra, bên trong có một chiếc điện thoại có kiểu dáng giống hệt iPhone 7 Plus.
“Anh ơi ! Đây là iPhone nhưng dùng hệ điều hành Android nha anh! Dùng hệ điều hành Android nên mới có giá rẻ, chứ dùng hệ điều hành iOS thì đắt lắm, phải đến mười mấy triệu”- nhân viên giao hàng nói.
Chiếc iPhone 7 Plus "nhái". Ảnh Đại Việt |
Tiếp tục kiểm tra chiếc iPhone dùng hệ điều hành “Android”, chúng tôi nhận thấy phần cảm ứng rất chậm, khi kiểm tra camera của máy thì không tài nào có thể chuyển camera trước ra camera sau được.
Thấy chúng tôi khó khăn với việc sử dụng chiếc điện thoại nên nhân viên giao hàng phân bua: “Chắc máy này bị lỗi rồi, anh cứ về nhà đi rồi để em mang chiếc khác qua tận nhà cho anh nha”.
Tiếp tục gọi điện thoại cho nhiều shop online khác trên Sàn Giao dịch Thương mại Điện tử Sen Đỏ như: Mobilegiatotxxx, Điện Thoạixxx, Ngocyxxx, Bantoanxxx…thì giá các dòng điện thoại iPhone cao cấp như 7 Plus, 6 Plus, 6s Plus…có giá dao động từ 2,4 triệu đồng – 2,8 triệu đồng. Các dòng điện thoại Samsung cao cấp như Galaxy Note 7 giá 3 triệu đồng, Galaxy S7 giá 2,8 triệu đồng…
Mặc dù là những chiếc điện thoại nhái kiểu dáng, thương hiệu, chức năng kém chất lượng nhưng hình ảnh thực tế của các sản phẩm này lại luôn được ém nhẹm. Các shop quảng cáo rầm rộ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng lại dùng hình ảnh của những chiếc iPhone hoặc Samsung chính hãng nhằm đánh lừa thị giác của người tiêu dùng.
Hàng “giả” cũng khó xử lý
Theo đại diện của Sàn Giao dịch thương mại Điện tử Sen Đỏ (Tập đoàn FPT), www.sendo.vn đang hoạt động theo mô hình chợ điện tử C2C mà ở đó các cá nhân và tổ chức có thể mở shop, đăng bán sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi các chủ gian hàng đăng tải sản phẩm lên sàn, sendo.vn sẽ tiến hành kiểm tra các thông tin đó. Đại diện sendo.vn khẳng định, không dung túng cho hàng giả, hàng nhái để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, Sen Đỏ luôn có cơ chế để bảo vệ người mua, cụ thể người mua được quyền khiếu nại, yêu cầu đổi trả hay hoàn tiền trong 48h kể từ ngày nhận hàng bằng cách nhấp nút “khiếu nại” trong mục quản lý đơn hàng tại tài khoản mua hàng, hoặc gọi hotline 19006000, hoặc email về hotro@sendo.vn.
Nếu sau 48h, không phát sinh bất cứ khiếu nại từ người mua, Sen Đỏ mới chuyển tiền hàng cho shop. Song song với việc này, Sen đỏ đã bổ sung thêm nguồn lực tiền kiểm và hậu kiểm cũng như đầu tư vào công nghệ Big Data nhằm phát hiện, loại bỏ hàng giả, hàng nhái kịp thời. Các shop bán hàng giả hàng nhái sẽ bị hạ sản phẩm ngay và hạ shop vĩnh viễn nếu tiếp tục tái phạm.
Chuyên gia công nghệ Trần Mạnh Hiệp, Quản trị diễn đàn Tinh Tế cho biết, những chiếc điện thoại cao cấp nhưng lại bán với giá chỉ có vài triệu đồng như vậy thì chắc chắn là điện thoại “đểu”. Đối với những người lần đầu tiên đi mua dòng điện thoại thông minh, model hiện đại rất dễ bị những quảng cáo “có cánh” làm thu hút, dẫn đến việc “tiền mất, tật mang”. Tốt nhất là nên đi cùng những người có kinh nghiệm sử dụng điện thoại thông minh để sở hữu những chiếc điện thoại có chất lượng thực sự.
Cũng theo ông Hiệp, việc bày bán các sản phẩm kém chất lượng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng các sản phẩm đang bán tại các shop online là rất khó khăn. Các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không làm được việc này, đây là việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc buôn bán hàng nhái kiểu dáng, nhái thương hiệu ở Việt Nam khá phổ biến nhưng hầu như không giải quyết được.
Ông Hiệp lấy dẫn chứng: “Không chỉ là cái điện thoại mà cái túi xách, bộ quần áo hay đôi giày… nhái thương hiệu, kiểu dáng cũng bày bán công khai ở khắp các con đường tại TP HCM. Nên ở Việt Nam những việc này rất khó giải quyết”.