Sau chầu rượu cao hổ cốt, được Q. nhiệt tình cho số điện thoại và địa chỉ, chúng tôi tìm đến T. “cụt”.
Trong vai một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, mắc chứng yếu sinh lý, hay đau nhức xương cốt và có nhu cầu mua cao hổ cốt về bồi bổ sức khỏe, tăng sức mạnh giường chiếu, chúng tôi liên hệ với lão.
Qua một hồi chuyện trò qua điện thoại, không mảy may nghi ngờ, lão hẹn chúng tôi xuống tận nhà để trao đổi giá cả cũng như số lượng cần mua.
Một điều nằm ngoài dự tính của chúng tôi, là khi lão T. hân hoan tiết lộ rằng, mình vừa xẻ thịt một "ông ba mươi" và đang cất giữ các bộ phận cá thể này trong nhà. Lão T. “cụt” sẽ chuẩn bị tổ chức trận nấu linh đình ngay tại nhà mình.
Lão T. cụt trong "dinh thự" của mình. |
Theo lịch hẹn, sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại khu vực Ngọc Hồi, Hà Nội. Lão T. "cụt" không lẫn vào ai được. Chúng tôi nhận ra lão từ xa bởi chiếc xe ba bánh và đôi chân có một bên bằng gỗ.
T. “cụt” tập tễnh dẫn chúng tôi vào con ngõ, ngay mép đường 1A (cũ). Rồi lão đưa chúng tôi tới một căn nhà khang trang trong xóm. Vào nhà, lão mở tủ lạnh, lôi ra một chai rượu mà hắn giới thiệu là cao hổ “của nhà trồng được” rót mời.
Sau vài chén rượu, khi tình cảm đã thấm đượm, lòng tin đã tăng lên gấp bội, T. “cụt” mới trút những bí mật thuộc dạng thâm cung bí sử của "nghề" luyện cao hổ cốt với chúng tôi.
“Ở Hà Nội này cũng có nhiều cơ sở nấu, nhưng đa phần chỉ bán cốt hổ từa lưa, toàn cốt đểu, cốt kém chất lượng. Cốt đểu là cốt có nguồn gốc từ gấu, chó bẹc-giê, đôi khi lợn, báo” – lão nói.
Và quả thực, T. "cụt" luôn tỏ ra mình là một "cao thủ" có nhiều kinh nghiệm luyện cao hổ. Bằng chứng là, trong mỗi câu nói của lão đều phô ra những kiến thức uyên thâm, thể hiện là người từng nghiên cứu qua sách vở và có nhiều tích lũy trong "nghề"
Thấy khách nghe gật gù, lão cụt nói luyến thắng, đôi mắt sáng rực, khuôn mặt đầy vẻ tự mãn.
“Anh biết đấy, trong cuốn Lĩnh Nam Bản Thảo - quyển hạ, viết về hổ cốt, Hải Thượng Lãn Ông nhận xét, hổ khỏe dữ lắm chỉ nhờ ống chân trước vì tuy đã chết mà chân nó vẫn thẳng không ngã. Cho nên xương ống chân của hổ mạnh gấp 100 lần xương ở các bộ phận khác.
Cốt hổ muốn ninh cao có chất lượng phải thỏa mãn các tiêu chí ngặt nghèo. Một con hổ trung bình có từ 10-12kg xương, một bộ xương hổ được xem là tốt phải nặng từ 7kg trở lên, nếu nhỏ hơn thì cho ra thành phẩm kém chất lượng. Quý nhất của bộ cốt hổ là xương đầu và xương bốn chân. Đặc biệt, hai chân trước của hổ phải có mắt phượng”.
Ngoài khẳng định chất lượng cao hổ chỗ mình làm là tốt nhất, lão còn bật mí cho chúng tôi một bí mật mà theo như lão chia sẻ, chỉ chỗ thân tình lão mới tiết lộ.
Theo đó, trước khi "ông ba mươi" lên nồi, lão thường tổ chức một “đại hội anh hùng”, có sự tham gia của tất cả “văn võ bá quan” là những thành phần có máu mặt, đã đặt tiền lấy hàng.
Đó cũng là lúc, lão sẽ giới thiệu các bộ phận của ngài chúa sơn lâm trước khi bỏ vào nồi luyện như một cách để chứng minh với khách hàng rằng, lão đem hàng thật, đồ thật của hổ ra để ninh cao.
Và dường như tỏ ra tin tưởng, thân tình với chúng tôi, lão T. cụt còn mời chúng tôi cùng tham dự cuộc họp mặt bí mật này.
Cũng trong hành trình này, chúng tôi biết thêm về những xảo thuật luyện cao hổ quái dị, tiềm ẩn lắm mối nguy. Nếu thiếu hiểu biết, người dùng không chỉ mất khoản tiền khổng lồ mà còn rước bệnh tật vào người.