Daily Mail từng đăng tải bài viết của phụ huynh người Anh kể về việc con mình bị giáo viên cáo buộc tội đập phá xe đạp trong nhà xe của trường. Để bảo vệ cho con trai, người này không tiết lộ tên trường cũng như tên con mình.
Theo lời của giáo viên chủ nhiệm, một tuần trước đó, cậu bé cùng 2 người bạn đi vào nhà để xe và đập phá 3 chiếc xe đạp của những học sinh khóa dưới.
Trong buổi họp gồm phụ huynh, học sinh, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đưa ra 2 phương án là đình chỉ hoặc buộc thôi học đối với học sinh gây ra thiệt hại đó.
Dù cảm thấy rất xấu hổ, với sự tin tưởng và hiểu rõ tính cách con trai, người cha tin con mình không làm vậy. Ông yêu cầu được xem video camera ở nhà xe nhưng giáo viên gian dối từ chối và lấy nhiều lý do để thoái thác.
Cuối cùng, ông vẫn kiên quyết xem bằng được video. Kết quả là đứa trẻ chỉ ngồi trên xe đạp đặt trên giá đỡ, lắc lư từ bên này sang bên kia. Những chiếc xe cũng không bị đập tan như lời giáo viên phóng đại khiến các học sinh suýt bị buộc thôi học.
Dù rất tức giận và muốn đứng ngay lên để buộc tội giáo viên, vị phụ huynh cố gắng kiềm chế và cho rằng một nhà giáo gian dối sẽ khiến chính họ bị coi thường và không còn được học sinh của mình tôn trọng. Vì vậy, ông nhẹ nhàng dạy bảo con, hứa sẽ đền bù thiệt hại đồng thời cảm ơn nhà trường đã không đuổi học con trai mình.
Dù sự việc xảy ra đã lâu (từ năm 2009), nó vẫn là ví dụ minh chứng cụ thể về đạo đức nhà giáo. Khi người đứng trên bục giảng nói dối, hậu quả đôi khi không chỉ họ phải nhận mà còn ảnh hưởng niềm tin của cả một thế hệ học trò.
Giáo viên nói dối làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo và khiến nghề giáo mang tiếng xấu. Ảnh minh họa: Mommyish |
Trong một số trường hợp khác, vụ việc giáo viên nói dối không dính líu học sinh nhưng vẫn phải nhận những hình phạt thích đáng. Với tư cách là nhà giáo, sự dối trá tạo ra cái nhìn không tốt về giáo viên và khiến nghề giáo mang tiếng xấu nghiêm trọng.
Tờ báo địa phương Sunderland Echo từng đăng tải vụ việc một giáo viên phải nhận án tù treo 4 tháng và lưu án tích suốt đời vì gian dối.
Theo đó, giáo viên Janet Adams đến từ Houghton, hạt Cambridgeshire, Anh, bị cho là có đạo đức và chuyên môn "không thể nhấp nhận" khi giảng dạy tại Đại học Kinh doanh và Doanh nghiệp Ferryhill. Bà bị phạt tiền và tạm ngừng giảng dạy 3 tháng.
Vài năm sau, bà tiếp tục tái phạm. Trong buổi xét xử tại tòa sơ thẩm Sunderland, Adams vắng mặt và gửi 2 giấy của bác sĩ nhằm chứng minh mình đang điều trị tại bệnh viện. Hai tờ giấy đó bị phát hiện làm giả.
Hội đồng giảng dạy chung của trường kết luận bà Adams đã cố tình lừa dối nhà trường, làm giảm các tiêu chuẩn của sự trung thực và khiến nghề giáo mang tiếng xấu. Cuối cùng, Adams nhận án treo 4 tháng, kết thúc 4 năm giảng dạy tại trường và không bao giờ được dạy học trở lại.
Một trường hợp khác là giáo viên Tyler Hatfield, dạy chương trình giáo dục đặc biệt ở trường Trung học West, thành phố Tullahoma, Mỹ. Hatfield bị sa thải khi nhà trường phát hiện ông nói dối đã có chứng chỉ giảng dạy sau hơn một năm làm giáo viên.
Theo kênh Newschannel5, ông Hatfield từng làm huấn luyện viên bóng rổ ở ngôi trường này từ năm 2010 và bắt đầu trở thành giáo viên năm 2015.
Khi trường tuyển dụng giáo viên ở vị trí giáo dục đặc biệt, ông Tyler Hatfield ứng tuyển và nói rằng đã có chứng chỉ giảng dạy. Mặc dù vậy, khi trường yêu cầu nộp bản sao chứng chỉ, ông cho biết chứng chỉ đang trong quá trình in ấn nên chưa thể gửi.
Tuy nhiên, sau đó ông bị phát hiện đã nói dối trắng trợn và bị chấm dứt hợp đồng lập tức.