Một chuỗi liên hoàn các hành vi bạo lực, kích động bạo lực xảy ra xung quanh vụ việc người bố say xỉn đánh con trai còn nhỏ tuổi ở Tiền Giang khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Vào 2 năm trước anh Đoàn Văn Tí (31 tuổi, quê An Giang, sống và làm việc ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) say xỉn, tát liên tiếp vào mặt con trai còn nhỏ tuổi dù được mọi người xung quanh can ngăn. Mới đây clip ghi lại vụ việc trên được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bức xúc với hành vi bạo lực của anh Tí. Bởi trong nội dung clip ấy, người đàn ông này không chỉ đánh con mà còn tuyên bố: “Tao giết nó được luôn đó. Mày tin không?”.
Cách dạy con bằng bạo lực của Đoàn Văn Tí khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và lên tiếng chỉ trích. Trên trang cá nhân Đàm Vĩnh Hưng được cho là của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng xuất hiện dòng trạng thái yêu cầu cần phải cách lý, loại trừ những kẻ vô lương tâm độc ác bạo hành trẻ em một cách máu lạnh như này ra khỏi xã hội. Đồng thời, nam ca sĩ cũng bày tỏ trên trang cá nhân: “Trước khi pháp luật trừng trị nó. Rất mong các hiệp sĩ, anh em giang hồ cho thằng này nếm mùi của những cái tát liên tục”, thậm chí còn “treo giải thưởng 20 triệu uống café chơi cho ai tát vô mặt nó liên tục, y chang như vậy”.
Hình ảnh anh Tí đánh con từ 2 năm trước mới đây được phát tán lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc với cách dạy con bằng bạo lực của người đàn ông này. |
Không biết xuất phát từ sự bức xúc trước việc người cha đánh con, hay từ lời kêu gọi của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trên trang cá nhân cùng giải thưởng 20 triệu đồng mà mới đây, một nhóm người xưng danh cộng đồng mạng đã tìm đến nhà trọ anh Đoàn Văn Tí vào chiều ngày 17/10 tại xã Trung An, thành phố Mỹ Tho. Tại đây những người này đã đã tát vào mặt anh Tí liên tục "diễn" lại đúng cảnh anh Tí đã đánh con. Hình ảnh livestream của cộng động mạng cho thấy, anh Tí bị một nhóm người đánh hội đồng đến sưng mặt tại nhà trọ nhưng không dám phản kháng, mặt bê bết máu, ngồi co ro nhưng vẫn bị đám đông đánh tới tấp. Trong khi đó, nhóm đối tượng đánh hội đồng anh Tí nói rằng, đánh để trả thù cho bé trai con của Tí.
Sau trận đòn nhớ đời, anh Tí đã viết lên trang cá nhân nói rằng việc đánh con xảy ra từ hai năm trước nhưng đến nay clip mới tung lên mạng và anh bị nhóm người tìm đến hỏi tội. "Mình thành thật gởi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng. Chuyện đó đã qua 2 năm nay rồi. Trong lúc mình có rượu trong người đã lỡ tay đánh con mình. Mình đã biết lỗi. Mong cộng đồng mạnh gần xa tha lỗi cho mình".
Đoạn chia sẻ trên trang facebook được cho là của Đàm Vĩnh Hưng. |
Dư luận chưa hết bức xúc với hành vi đánh con của anh Tí đã tiếp tục bức xúc với hành vi đánh người của nhóm thanh niên. Bởi hành vi của nhóm thanh niên ấy không phải là hành vi của “Lục Vân Tiên - giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” mà là hành vi của những người chạy theo trào lưu, sự kêu gọi bạo lực trên mạng xã hội để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi thực tế nếu là những “Lục Vân Tiên” thật sự họ phải hỏi rõ ngọn ngành câu chuyện chứ không phải thẳng tay, hô nhau đánh người như thế. Hơn nữa, pháp luật hiện hành không cho phép hành vi đánh người như vậy.
Mỗi khi có sự việc mâu thuẫn, bạo hành, đánh nhau xảy ra, nhóm người nhân danh nghĩa hiệp, “Lục Vân Tiên” mạng xã hội lại kéo đến để giải quyết thay công an, dùng bạo lực để trị bạo lực thì xã hội này có mà loạn. Bởi những vấn đề về an ninh trật tự, liên quan đến pháp luật đã có lực lượng công an với đủ thẩm quyền để xử lý chứ không phải là những anh hùng mạng có thể ra tay vô pháp, vô thiên như vậy.
Đối với nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, có thể vì quá bức xúc với hình ảnh cha đánh con mà đăng tải thông tin như vậy. Nhưng xét về mặt luật pháp dù có bức xúc trước sự việc, hiện tượng đến đâu cũng không thể kêu gọi hành vi bạo lực, thậm chí dùng tiền để kích động bạo lực như thế. Nhất là người của công chúng thì phải giữ gìn hình ảnh để những người trẻ, những fan hâm mộ noi theo chứ không phải là thích viết gì thì viết, thích kêu gọi gì thì kêu gọi bởi vô tình sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận không nhỏ giới trẻ theo xu hướng bạo lực.
Nhận định về sự việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của người đàn ông đánh đứa trẻ là rất phản cảm, vi phạm luật trẻ em, xâm hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em bởi vậy hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào huyện hậu quả xảy ra.
Đối với nhóm người hành hung anh Đoàn Văn Tí nếu gây thương tích cho anh Tí đều có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự và tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 140 bộ luật hình sự 2015, dù thương tích chưa tới 11%.
Hình ảnh anh Tí bị nhóm người hành hung. |
Trong khi đó, đối với những người mà chửi bới, lăng mạ, xúc phạm người khác như thông tin trên mạng xã hội được cho là của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nêu trên dù với mục đích lên án hành vi của người bố đánh con thì cũng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu hành vi này chưa gây ra hậu quả thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.
Bởi vậy, khi chứng kiến một hành vi vi phạm pháp luật thì người dân cần bình tĩnh, việc bày tỏ thái độ, quan điểm của mình trước một sự việc xảy ra trong xã hội pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, nếu có hành vi kích động, khuyến khích người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì điều đó là sai lầm, nếu hành vi kích động, xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội trở thành hiện thực thì người xúi giục, kích động, chủ mưu đó sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Hành vi kích động bạo lực trên mạng xã hội cũng là hành vi cấm theo luật an ninh mạng, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đừng vì một phút nông nổi, anh hùng rơm và thiếu hiểu biết pháp luật để gây họa cho bản thân và cho người khác.
Sống trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mọi người, mọi hành vi đều phải tuân thủ pháp luật, dùng pháp luật là thước đo đánh giá chuẩn mực hành vi con người. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm minh.