Nếu những đứa trẻ không phải mồ côi… có thể khởi tố tội lừa đảo
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Long An đã quyết định phục hồi giải quyết tin báo tố giác tội phạm của một số tổ chức, cá nhân liên quan đối với Lê Tùng Vân và một số người sinh sống “Tịnh thất Bồng Lai” để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một tội danh khác.
Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định 28 người đang hoặc đã từng sinh sống tại Tịnh thất Bồng lai. 23 người đang sống tại đó đã được lấy mẫu ADN, trong đó có 10 trẻ em.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, nếu kết quả giám định ADN cho thấy những đứa trẻ sống trong Tịnh Thất Bồng Lai không phải trẻ mồ côi mà là con của những người sinh sống ở đây, có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "tội loạn luân" để xử lý đối với những người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Tùng Vân cùng các đối tượng ở Tịnh thất Bồng Lai. |
Thời gian dài, Tịnh thất Bồng Lai đã đưa ra nhiều thông tin về việc cơ sở đang nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi đầy tài năng, rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người khác. Vì thế, có nhiều nhà hảo tâm đã chuyển tiền ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có đơn tố giác về việc những đứa trẻ tại đây không phải trẻ mồ côi.
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An đã thụ lý tin báo tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với một số cá nhân Tịnh thất Bồng Lai và tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trong quá trình xác minh phải chờ kết quả trả lời của các cơ quan chức năng nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ giải quyết xác minh tin báo.
Đến nay cơ quan điều tra tiếp tục phục hồi xác minh tin báo. Nếu có căn cứ cho thấy đã có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với những người đã gian dối để chiếm đoạt tài sản của những nhà hảo tâm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc chuyển giao tài sản từ người này sang người khác thông qua việc tặng cho, ủy quyền sử dụng là quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự này đòi hỏi thông tin của các bên phải chính xác, trung thực, tự nguyện. Nếu có thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối để người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt, đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, kẻ gây tội sẽ bị phạt tù 12 - 20 năm, hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường cho rằng, với hành vi đưa ra thông tin gian dối về nhân thân của những đứa trẻ là trẻ mồ côi, nhưng kết quả giám định ADN cho thấy những đứa trẻ lại là con đẻ của những người sinh sống ở đây, đó là căn cứ để quy kết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi những người này đã gian dối để nhận tiền từ thiện nuôi dưỡng những đứa trẻ. Việc phục hồi xác minh tin báo và thu thập các mẫu vật để tiến hành giám định ADN là một hoạt động tố tụng quan trọng để xác định sự thật khách quan, làm cơ sở kết luận của vụ việc này.
Nghi ngờ việc loạn luân sẽ được làm sáng tỏ
Luật sư Cường cho rằng, nếu mối quan hệ huyết thống của những người ở Tịnh thất Bồng Lai là quan hệ trực hệ về ba đời và cho thấy đã có quan hệ tình dục giữa những người có mối quan hệ trực hệ về ba đời thông qua kết quả giám định ADN thì đó là hành vi loạn luân. Cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với những người thực hiện hành vi loạn luân theo quy định của Bộ luật Hình sự, những người này sẽ phải đối mặt với những hình phạt có thể tới 5 năm tù theo Điều 184 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015).
Nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015);
Trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điểu 142 Bộ luật Hình sự 2015).
“Vì vậy, có thể cho thấy rằng kết quả giám định ADN sẽ cho biết mối quan hệ giữa những người sinh sống ở đây, từ đó cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi loạn luân hay không và nếu có thì hành vi loạn luân này được xác định là tình tiết định tội hay định khung hình phạt...”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho rằng, đây là vụ án phức tạp, cơ quan điều tra đã kết luận và tòa án đã xét xử về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Bản án mới là sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên dư luận xã hội rất quan tâm bởi đây là sự việc có liên quan đến nhiều người phải liên quan đến hoạt động tôn giáo, từ thiện và có những tác động nhất định đối với xã hội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sự thật về "Tịnh Thất Bồng Lai":
Nguồn: VTV1