Trinh sát lãnh thổ đối phương luôn là vấn đề được quân đội các nước trên thế giới ưu tiên. Đặc biệt, những năm Chiến tranh Lạnh, phát hiện sớm những gì đối phương đang làm, các hoạt động chuyển dịch lực lượng, xây dựng căn cứ, phát triển và thử nghiệm vũ khí được đặt lên hàng đầu.
Các quốc lớn như Mỹ, Liên Xô không tiếc tiền đầu tư phát triển các phương tiện trinh sát, trong đó trinh sát trên không được đầu tư mạnh nhất, vì đây là giải pháp hiệu quả cao nhất.
Kiệt tác công nghệ
Trong các phương tiện trinh sát đường không những năm Chiến tranh Lạnh, máy bay trinh sát SR-71 Blackbird được đánh giá là một “kiệt tác” công nghệ.
SR-71 Blackbird (Chim đen) là máy bay trinh sát tốc độ cao do tập đoàn Lockheed (nay là Lockheed Martin) chế tạo cho Không quân Mỹ những năm 1960. Chim đen được thiết kế để đạt tốc độ Mach 3 (khoảng 3.500 km/h).
SR-71 là máy bay trinh sát nhanh nhất từng được chế tạo. Ở thời điểm những năm 1960, hầu như không có máy bay nào có thể bắt kịp tốc độ của Chim đen. Để đạt tốc độ cực nhanh, SR-71 có thiết kế khí động học tương đối quái dị.
SR-71 phi cơ trinh sát nhanh nhất mọi thời đại. Ảnh: USAF. |
Động cơ được bố trí ngay giữa cánh chính, hai bên hông được thiết kế rìa cánh kéo dài hết phần mũi để tăng khả năng ổn định khi bay ở tốc độ cao. Nhìn từ phía trước, SR-71 giống như quái vật trên không đến từ ngoài hành tinh.
Trái tim sức mạnh của Chim đen là 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney J58, có thể tạo ra lực đẩy 145 kN/chiếc, một trong những động cơ mạnh nhất thời điểm đó. Phi cơ SR-71 hoạt động ở độ cao tới gần 26 km nên phi công phải mặc áo quần bảo hộ như phi hành gia.
Chưa từng bị khuất phục
Tốc độ nhanh đem lại cho SR-71 khả năng trinh sát vượt trội, máy bay có thể xâm nhập không phận để chụp ảnh rồi nhóng thoát ra mà đối phương không kịp trở tay. 32 chiếc SR-71 đã được đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ từ năm 1964-1988, 12 chiếc rơi trong các vụ tai nạn. Tuy nhiên không có máy bay nào bị đối phương bắn hạ trong khi làm nhiệm vụ.
Lợi thế tốc độ cao, SR-71 từng xâm nhập nhiều khu vực nhạy cảm để tiến hành trinh sát. Đối phương từng nhiều lần cố bắn hạ phi cơ này nhưng không một lần thành công.
Ảnh chụp tên lửa S-75 lao về đường bay của SR-71. Ảnh chụp màn hình: Youtube. |
Theo War History Online, tháng 8/1981, SR-71 được giao nhiệm vụ bay trinh sát trên bán đảo Triều Tiên để theo dõi các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng. Khi bay qua khi phi quân sự DZM, phi công Maury Rosenberg bất ngờ phát hiện tên lửa đất đối không của Triều Tiên bắn lên theo đường di chuyển của máy bay.
SR-71 là phi cơ tốc độ cao nhưng khả năng cơ động trong phạm vi hẹp khá hạn chế. Máy bay không thể thực hiện động tác tránh tên lửa như các chiến đấu cơ thông thường. Điều duy nhất mà phi công Rosenberg có thể làm là lái máy bay tránh càng xa tên lửa càng tốt.
Điều may mắn là khi máy bay thay đổi đường bay, tên lửa không bám theo mà bay thẳng lên theo quỹ đạo ban đầu. Tên lửa phóng lên được cho là S-75 Dvina, vì ở thời điểm đó, Triều Tiên chỉ có tên lửa này với tới trần bay của SR-71.
Tên lửa đạt giới hạn tầm cao của nó và phát nổ cách SR-71 khoảng 1,6 đến 2,4 km. Khoảng cách này nghe có vẻ an toàn nhưng với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, vụ nổ cách máy bay chỉ 2 giây. Nếu thời gian tên lửa phát nổ chậm hơn, máy bay sẽ gặp nguy hiểm.
Khi đó, Triều Tiên đã cố gắng bắn tên lửa thứ 2 vào SR-71 nhưng nhờ tốc độ nhanh, Chim đen đã kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tên lửa bay đến. Tốc độ cao đã giúp Blackbird thoát khỏi sự truy đuổi của tên lửa đối phương trong nhiều nhiệm vụ trinh sát.
Ngày nay, SR-71 tuy không còn hoạt động nhưng vẫn là phi cơ trinh sát huyền thoại của Không quân Mỹ cũng như thế giới mà chưa có máy bay nào thay thế xứng tầm.