Sau suốt 9 ngày nỗ lực tìm kiếm với sự tham gia của hơn 1.000 người, đêm 2/7, các thành viên của đội thợ lặn Hải quân Hoàng gian Thái Lan đã tới được vị trí của 13 người bị mắc kẹt suốt 9 ngày qua tại hang động Tham Luang thuộc tỉnh Chiang Rai của Thái Lan.
Được biết, ngay khi có tin đội bóng thiếu niên bị kẹt trong hang Tham Luang trong hôm 26/3, lực lượng cứu hộ Thái Lan đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và khi mọi việc vợt ngoài tầm kiểm soát, Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã triển khai lực lượng tới ứng phó cùng lực lượng cứu hộ.
Khu vực hang động Tham Luang ở miền bắc Thái Lan, tiếp giáp với Lào. Ảnh: The Guardian. |
Và việc tìm thấy đội bóng mất tích trong hang Tham Luang có một phần công rất lớn của lực lượng Biệt kích Hải quân Thái Lan, khi nhóm thợ lặn tiếp cận được các nạn nhân trong đêm 2/7.
Mặc dù vậy, mọi nỗ lực cứu hộ vẫn đang được xúc tiến khi lực lượng cứu hộ chưa thể đưa toàn bộ 13 người trong đội bóng mất tích ra bên ngoài hang Tham Luang an toàn. Và nếu phải đợi nước rút hoàn toàn khỏi hang thì quá trình giải cứu này sẽ kéo dài thêm ít nhất từ 3-4 tháng nữa.
Các lực lượng cứu hộ nỗ lực "vẽ lại" sơ đồ của hang động này để phục vụ cho cuộc giải cứu. Ảnh: Thaiarmy. |
Mặc dù, được đào tạo và huấn luyện cho nhiệm vụ chiến đấu thế nhưng đặc nhiệm hải quân Thái Lan vẫn thể hiện được bản lĩnh của mình ngay trong các nhiệm vụ dân sự như cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
Vậy nhưng người lính đặc nhiệm này là ai? nhiệm vụ chính của họ là gì mà họ lại giỏi "chui rúc" trong hang động tới vậy?
Biệt kích Hải quân Thái Lan
Máy bơm cỡ lớn được huy động để hút nước ra khỏi hang động sau nhiều ngày mưa xối xả. Nguồn ảnh: Bangkoknews. |
Đặc nhiệm Hải quân Thái Lan có cơ cấu tổ chức và cách thức huấn luyện giống với lực lượng Biệt kích Hải quân Navy SEALs của Hải quân Mỹ mà nổi bật nhất là SEAL team Six (đội SEAL số 6) chính là lực lượng đã từng đột nhập vào hang ổ của trùm khủng bố Osama Binladen và tiêu diệt hắn ngay trong phòng ngủ.
Biệt kích Hải quân Thái Lan hay có tên gọi khác là UDAU (Đơn vị tấn công, phá hủy dưới nước) là một nhóm tác chiến độc lập thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan được thành lập từ năm 1956 dưới sự hỗ trợ chính phủ Mỹ. Điều này một phần nào đó lý giải UDAU có tổ chức và kỹ năng tác chiến tương tự Navy SEALs của Mỹ.
Nhiệm vụ chính của UDAU trong Hải quân Thái Lan là tình báo, trinh sát, tác chiến độc lập, chống phá hoại và chống khủng bố cả dưới nước lẫn trên bờ. Để thực hiện được các nhiệm vụ trên UDAU được trang bị cực kỳ hiện đại chủ yếu là phương tiện lặn giúp họ có thể di chuyển và chiến đấu dưới nước trong thời gian dài với vũ trang đầy đủ.
Môi trường hoạt động dưới nước của UDAU gần như là không giới hạn, do đó lực lượng này có thể dễ dàng tiếp cận được đội bóng bị mất tích trong hang Tham Luang sau khi được mở thông đường khỏi các vị chật hẹp bị ngập nước bên trong hang vốn không thể di chuyển qua với loại bình dưỡng khí thông thường.
Hình ảnh biệt kích hải quân Thái Lan tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng mất trong hang Tham Luang. Nguồn ảnh: The Nation. |
Thành công vẫn còn cách rất xa
Theo thông tin mới nhất được The Guardian đăng tải, lực lượng Biệt kích Hải quân Thái Lan đã nối thông con đường tiếp cận tới bãi cát Pattaya nằm sâu bên trong hang Tham Luang. Sức khỏe của cả đội bóng dần đã được ổn định và vấn đề còn lại bây giờ là lực lượng cứu hộ Thái Lan phải tìm cách đưa cả 13 nạn nhân ra bên ngoài.
Đặc nhiệm Hải quân với trang bị nhỏ gọn trong hang động Tham Luang. Ảnh: Newsasia. |
Cũng theo lực lượng này, việc vượt qua được những chỗ ngập để ra ngoài với những cậu bé này là điều gần như bất khả thi, khó khăn đầu tiên đó là cả quân đội và lực lượng cứu hộ Thái Lan không được trang bị các loại mặt nạ dưỡng khí cỡ nhỏ cho trẻ em.
Thiếu mặt nạ dưỡng khí, những cậu bé này sẽ không thể vượt qua được nơi ngập nước vốn dài hàng trăm mét bên trong hang. Hải quân Thái Lan đã kêu gọi sự hỗ trợ của những nhà sản xuất dụng cụ lặn để chế tạo gấp những chiếc mặt nạ dưỡng khí cỡ nhỏ phù hợp với các cậu bé này để quá trình giải cứu có thể đẩy nhanh và kết thúc sớm.
Trả lời cho câu hỏi tại sao cần sử dụng mặt nạ kín mặt thay vì ngậm ống thở, nhà chức trách Thái Lan cho biết mặt nạ dưỡng khí kín mặt trước hết là an toàn và dễ sử dụng hơn so với ống thở ngậm trong miệng. Hải quân Thái Lan khẳng định, họ sẽ không để các em nhỏ này sử dụng ống thở ngậm miệng để lặn ra khỏi hang động vì cách thức đó quá nguy hiểm. Nếu không kiếm được mặt nạ lặn phù hợp, họ sẵn sàng chờ cả tháng nữa tới khi nước rút để đưa lũ trẻ ra ngoài vì ít nhất đường tiếp tế đã thông, việc chờ nước rút vẫn an toàn hơn việc sử dụng ống thở ngậm miệng vốn quá nhiều rủi ro.
Tính tới thời điểm hiện tại, các lực lượng cứu hộ của Thái Lan và của cả nước ngoài đang nỗ lực hết mức để đảm bảo sức khỏe cho những cậu bé bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Theo cập nhật mới nhất, việc đầu tiên phía Thái Lan sẽ thực hiện đó là chuyển đồ ăn, thức uống vào bên trong vị trí mắc kẹt để phục hồi thể lực cho những người mắc kẹt trước khi đưa họ ra ngoài.
Mời độc giả xem Video: Nỗ lực cứu hộ quy mô lớn của Thái Lan để đưa 12 đứa bé cùng huấn luyện viên bóng đá của chúng về nhà. Nguồn: @BBC.