Hồi ký “Sự thật mà ta nắm giữ” của Kamala Harris, đưa người đọc đến với hành trình bà đã trải qua, từ con gái của những người nhập cư da màu, đến vai trò công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ, và giờ đây là đương kim nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Bìa cuốn sách Sự thật ta nắm giữ |
Mẹ của Kamala Harris đến từ Ấn Độ và cha bà đến từ Jamaica, họ gặp nhau và yêu nhau khi còn là sinh viên đại học, tham gia vào phong trào dân quyền của Hoa Kỳ. Họ quyết định kết hôn và ở lại nước Mỹ lập nghiệp. Tình yêu đẹp không bền lâu, khi bà 7 tuổi cha mẹ bà đã ly hôn. Bà cùng em gái sống với mẹ, và mẹ bà chính là người tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến con người và cuộc sống sự nghiệp của bà.
Kamala viết: “Từ ông bà tôi, mẹ tôi đã hình thành nên sự hiểu biết chính trị nhạy bén. Bà hiểu biết về lịch sử, đấu tranh, và những bất bình đẳng. Bà sinh ra với tinh thần công lý in hằn trong tâm trí… Mẹ tôi nhận thức rất rõ việc bà đang nuôi hai đứa con gái da màu. Bà ấy quyết tâm đảm bảo chúng tôi sẽ trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh”.
Những hoạt động sôi nổi của cộng đồng người da màu tại ở Rainbow Sign, những hoạt động dân quyền mà cha mẹ Kamala đã cho bà tham gia từ thuở bé không chỉ giúp Kamala nhận biết, hình thành được những kỹ năng phát triển bản thân, lãnh đạo hữu ích; mà còn khiến ý thức đấu tranh cho công bằng in sâu vào suy nghĩ, hình thành nên đam mê, tín ngưỡng, lý tưởng sống của bà.
Niềm đam mê, lý tưởng ấy đã khiến Kamala quyết định học luật, sau đó thăng tiến qua các cấp bậc chính trị ở California từ Văn phòng Biện lý quận Alameda đến Văn phòng Biện lý quận San Francisco, nơi bà phục vụ với tư cách là Chưởng lý quận trước khi được bầu làm Tổng chưởng lý của California, rồi trở thành Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ.
Chân dung Kamala Harris |
Trong cuốn sách “Sự thật mà ta nắm giữ”, Kamala Harris chia sẻ những vấn đề bà đã theo đuổi. Bắt đầu với việc truy tố tội phạm tình dục, giúp đỡ những người đã từng ngồi tù vì các tội danh nhẹ.
Ở bất kỳ cương vị nào, bà luôn đứng về phía các nạn nhân, hoặc người tù yếu thế để tìm ra phương thức hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất, để họ không bị tiếp tục dìm xuống bùn đen hay quay trở lại con đường tội phạm.
“Tôi biết một phần của việc tạo ra thay đổi chính là điều mà tôi đã chứng kiến trong suốt cuộc đời mình, khi xung quanh tôi là những người trưởng thành hò hét, diễu hành và đòi công lý ở bên ngoài.
Nhưng tôi biết vai trò của người bên trong cũng quan trọng khi họ ngồi ở bàn làm việc và đưa ra quyết định. Khi các nhà hoạt động xã hội diễu hành và đến đập cửa, tôi muốn ngồi ở phía bên trong để đón họ vào. Tôi sẽ trở thành một công tố viên theo cách của riêng mình. Tôi sẽ thực hiện công việc thông qua góc nhìn từ chính những trải nghiệm và quan điểm của bản thân, từ sự hiểu biết mà tôi lĩnh hội được từ mẹ, từ hội trường ở Rainbow Sign và từ Sân Howard (Đại học Howard)”.
Xuyên suốt cuốn sách là niềm đam mê mà Thượng nghị sĩ Kamala Harris ủng hộ cho “những chân lý mà chúng ta nắm giữ”; và nó không chỉ đóng vai trò là một tuyên bố, mà còn như một lời kêu gọi hành động.
Bà viết: “Sau nhiều năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ tìm hiểu và gặng hỏi chúng ta. Chúng sẽ hỏi rằng chúng ta đã ở đâu khi tình hình nghiêm trọng như vậy. Chúng sẽ hỏi ta rằng mọi chuyện là như thế nào. Tôi không muốn chỉ cho chúng biết cảm giác của chúng ta. Tôi muốn kể với chúng những điều chúng ta đã làm”.
Trong thời đại mà nhiều chính trị gia miễn cưỡng bày tỏ ý kiến cụ thể về một số vấn đề vì sợ một phần công chúng sẽ bỏ phiếu xa lánh, sự thẳng thắn Kamala Harris, đương kim nữ Phó Tổng thống của Hoa Kỳ nổi lên như một đốm sáng rực rỡ.
Độc giả nhìn thấy rõ chân dung của một nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ quyền lực, mà đáng kính bởi tầm nhìn xa, sự chuyên nghiệp, lòng nhân hậu, luôn quan tâm sâu sắc và hành động vì sự công bằng xã hội.