Năm 1853, nhà văn nổi tiếng người Anh Charles Dickens đã xuất bản quyển sách Bleak House, một trong những tác phẩm dài nhất của ông, phơi bày mặt tối của công lý ở Anh.
Hiện nay, Bleak House vẫn được nhiều người say mê các hiện tượng siêu nhiên đánh giá cao, bởi nội dung quyển sách có đề cập đến sự đốt cháy tự phát của cơ thể con người.
Trong tác phẩm này, một nhà buôn vải tên Krook đã kết thúc cuộc đời của mình bằng sự đốt cháy tự phát mà không ai có thể giải thích được. Với chi tiết này, Charles Dickens đã bị nhiều người phản đối vì truyền bá sự mê tín. Đây là một chủ đề gây tranh cãi ở thời điểm đó.
Hiện trường một vụ cháy tự phát ở cơ thể người. |
Theo các ghi chép sớm nhất về sự đốt cháy tự phát của con người của một học giả thế kỷ 17, năm 1470, một người nước Ý say rượu và nằm nghỉ trong nhà của mình thì xảy ra vụ cháy tự phát kỳ lạ, và nạn nhân đã tử vong sau đó.
Một trường hợp khác, năm 1725, kẻ nghiện rượu ở Rhein (Pháp) được phát hiện đã chết do bị thiêu sống. Xương cốt chỉ còn 1 phần hộp sọ, chi dưới và vài đốt sống lưng.
Một báo cáo của tạp chí Triết học Luân Đôn (Anh) đã viết về một vụ án đặc biệt. Năm 1731, nữ bá tước Cornelia Bandi (62 tuổi) vì tâm trạng không ổn nên sau khi ăn tối, bà đã lên giường đi ngủ sớm.
Ngày hôm sau, người giúp việc hoảng hồn khi phát hiện bà chủ đã biến thành một đống than hồng, cả cơ thể người lớn bị thiêu rụi chỉ còn 1 phần đầu và tay chân. Lúc đó, căn phòng tràn ngập mùi khói dầu lạ cùng chất lỏng vàng trên khung cửa sổ. Cuối cùng, vụ án được kết luận là do “rượu”.
Không khó để thấy rằng, những người được cho là chết vì đốt cháy tự phát đều có những điểm tương đồng rõ ràng: Toàn bộ cơ thể đã bị đốt cháy thành tro, chỉ còn lại một phần tay chân và hộp sọ. Chúng ta đều biết, các nạn nhân trong những vụ hỏa hoạn, dù có cháy đen thế nào thì xương vẫn không thể biến thành tro.
Ngoại trừ trạng thái đặc biệt của xác chết, không có bất kỳ chất dễ cháy nào được phát hiện ở hiện trường. Đây có thể là lý do tại sao hầu hết các trường hợp đốt cháy tự phát chỉ được phát hiện ra sau khi đã kết thúc, không ai có thể chứng kiến được.
Bí mật của những cái chết cháy tự phát này có thể là gì?
Linsley, một bác sĩ nước Anh thời nữ hoàng Victoria đã điều tra 19 vụ án đốt cháy tự phát của con người trong khoảng thời gian từ năm 1692 đến năm 1829.
Linsley đã chỉ ra những đặc điểm chung của các nạn nhân: Những người say rượu và nghiện rượu mãn tính. Trên thực tế, vào thời điểm đó, những ý kiến cho rằng rượu là nguyên nhân khiến cơ thể tự bốc cháy rất phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ đây chính là sự trừng phạt dành cho những kẻ nghiện rượu.
Rượu có thật sự gây ra hiện tượng bí ẩn này? Một nhóm các nhà khoa học người Đức đã cố chứng minh rằng rượu không khiến cơ thể con người tự bốc cháy.
Justus von Liebig, một nhà hóa học người Đức đã thực hiện thí nghiệm trên chuột để chứng minh lập luận của mình. Ông tiêm một lượng lớn rượu vào cơ thể chuột và kết quả là ngay cả khi nồng độ cồn trong cơ thể chuột đạt 70%, nó vẫn không dễ bắt lửa hơn chút nào.
Các thí nghiệm của Liebig chứng minh nồng độ rượu trong cơ thể không phải nguyên nhân gây ra sự đốt cháy tự phát. Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi là tỷ lệ người nghiện rượu là rất cao, phải có một mối liên hệ nào đó.
Một trường hợp sống sót sau vụ cháy tự phát có thể đưa con người đến gần hơn với sự thật. Một linh mục người Ý khi đến thăm gia đình vợ chồng chị gái, đã nhờ anh rể tìm cho mình một chiếc khăn đệm để cầu nguyện trong phòng.
Một lúc sau, vị linh mục đã gào lên đau đớn, mong được giúp đỡ. Khi đám đông chạy vào phòng chỉ thấy cơ thể vị linh mục chìm trong ngọn lửa to. Khi lửa được dập tắt thì cánh tay phải, vai và đùi của ông đã bị tổn thương ở nhiều mức độ khác nhau.
Trong vài ngày tiếp theo, tình trạng của ông tiếp tục xấu đi, ông luôn khát nước, nôn mửa và co giật bất thường. Điều kỳ lạ nhất là bác sĩ của vị linh mục kể lại rằng, cơ thể của nạn nhân có mùi hôi thối và chiếc ghế ông ta ngồi cũng để lại mấy thứ thối và kinh tởm. Vào ngày thứ 4, vị linh mục qua đời trong cơn hôn mê.
Là một linh mục, chắc chắn nạn nhân sẽ không nghiện rượu như các nạn nhân khác. Các triệu chứng như khát nước, nôn mửa, co giật và có mùi hôi rất có thể là hội chứng Ketosis do bệnh tiểu đường.
Ketosis được gây ra bởi sự rối loạn chuyển hóa cơ thể hoặc lượng carbohydrate không đủ. Trước khi insulin ra đời, hầu hết bệnh nhân tiểu đường đã chết vì Ketosis. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra Ketosis không phải chỉ vì tiểu đường, còn có một trạng thái Ketosis do rượu, phổ biến ở những người nghiện rượu mãn tính.
Ketone được sản xuất bởi Ketosis là chất dễ cháy, đặc biệt là acetone. Một số người đã thử thí nghiệm với thịt lợn ngâm acetone và kết quả cuối cùng giống hệt với các trường hợp cháy tự phát. Và việc các chi không cháy đã có lời giải thích, bởi vì những bộ phận này có hàm lượng chất béo thấp hơn, tích lũy ít Ketone hơn nên chúng khó cháy thành tro.
Vậy là bí ẩn của sự cháy tự phát đã được giải quyết?
Không hẳn vậy, trên thực tế, ngay cả khi các giả thuyết về Ketosis là đúng, nó cũng chỉ giải thích cách cơ thể con người bị đốt thành tro trong môi trường bình thường.
Ngày 2/7/1951, vụ cháy tự phát nổi tiếng nhất xảy ra tại St Petersburg, Florida, Mỹ. Vào 8 giờ sáng, khi đến phòng của người thuê phòng Reeser để đưa một bức điện tín, bà chủ nhà đã thấy tay nắm cửa nóng dữ dội. Cho rằng bên trong có hỏa hoạn, bà chủ nhà la hét cầu cứu, 2 họa sĩ đang đi đường đã đến giúp đỡ họ.
Tuy nhiên, người thuê nhà, bà góa phụ Reeser 67 tuổi đã bị đốt cháy thành tro, nhưng một chân không bị ngọn lửa phá hủy. Nhiều vật dụng trong phòng cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao, trần nhà bị đen, nến và cốc nhựa bị nung chảy.
Hiện trường vụ án của bà Reeser. |
Ngay lúc này, đã có người đề xuất một giả thuyết mới: Hiệu ứng sợi bấc. Mỡ trong cơ thể người bắt đầu cháy ở khoảng 250 độ C. Khi quần áo bắt lửa, da sẽ nứt ra để lộ mỡ. Lúc này, quần áo giống như một sợi bấc còn mỡ đóng vai trò của sáp.
Trạng thái này có thể duy trì ổn định trong hơn 12 giờ, đủ để xương cốt thành tro. Đối với các bộ phận cơ thể như tay chân không được che phủ bởi quần áo, chúng có khả năng còn nguyên vẹn. Để kích hoạt hiệu ứng sợi bấc, chỉ cần 1 cây nến hoặc điếu thuốc.
Vụ án của Reeser có thể giải thích bằng hiệu ứng sợi bấc, có lẽ bà đã ngủ gục trên sofa và những điếu thuốc dang dở rơi xuống quần áo, gây ra vụ cháy.
Năm 1998, giáo sư Harvey của Viện Tội phạm học California đã xác minh hiệu ứng sợi bấc trên một chương trình truyền hình của BBC. Ông quấn một con lợn chết có kích thước tương đương một người trong chăn bông, tẩm xăng và châm lửa. Ngọn lửa yếu nhưng ổn định trong quá trình đốt, nhiệt sinh ra không lớn và những thứ khác gần như không bị ảnh hưởng.
Con lợn cháy trong trong 4 giờ rồi bị dập tắt. Sau khi kiểm tra, khoảng một nửa số thịt lợn đã bị đốt cháy, và thậm chí một số xương đã bị đốt thành tro.
Cơ thể con người không thật sự tự bốc cháy, chỉ là mọi người có xu hướng tin vào những lời giải thích bí ẩn hơn. Trong hàng trăm năm qua, họ đã chọn bỏ qua các chi tiết và lan truyền những câu chuyện rùng rợn.
Xem thêm video: Gần 300 nhân viên đường sắt Cát Linh-Hà Đông bỏ việc