Khi Hồng Quân Liên Xô mở đường tiến đến Berlin vào năm 1945, họ đã gặp phải phòng tuyến Seelow Heights. Đây là hàng rào phòng thủ cuối cùng của Phát Xít Đức với ý đồ cho Hồng Quân phải tắm máu trong thủ đô Berlin, Hitler thậm chí còn tuyên bố rằng Berlin sẽ mất nhưng cái giá của nó không hề rẻ.
Tuy nhiên lúc này quân đội Liên Xô đang trong thế mạnh hơn bao giờ hết, sẵn sàng chiếm lấy Berlin sớm nhất có thể đã sẵn sàng đối đầu với phòng tuyến Seelow này với ưu thế về hỏa lực vượt trội.
Với trang thiết bị và hậu cần đầy đủ, phía Liên Xô không ngần ngại dàn trận với 9.000 khẩu pháo trên một trận địa pháo trải dài 30 km, điều đó đồng nghĩa với việc cứ 3 mét lại có một khẩu pháo.
Trận địa pháo dài 30 km của Hồng Quân Liên Xô. Nguồn ảnh: BI. |
Rất khó có thể ước tính được số lượng đạn pháo và rocket đã được sử dụng bởi Liên Xô vào ngày 16/4 khi họ mở cuộc tấn công vào phòng tuyết Seelow, hàng rào cuối cùng ngăn cách Berlin với bước tiến vũ bão của Hồng Quân Liên Xô.
Tuy nhiên các nhà sử học ước tính đã có khoảng 500.000 viên đạn pháo được bắn ra từ trận địa pháo khổng lồ này chỉ trong 30 phút đầu tiên của trận chiến. Trong khi đó, hàng rào phòng thủ Seelow chỉ có khoảng 150.000 người, điều đó có nghĩa là mỗi một người lính Đức phải hứng chịu khoảng 4 viên đạn pháo chỉ trong 30 phút đầu tiên của cuộc chiến.
Để tiện so sánh, phía Đồng Minh đã tấn công phòng tuyến Gustav ở Italy vào năm 1944 với khoảng 2.000 khẩu đại bác nã tổng cộng 174.000 viên trong suốt 24 giờ, Quân Anh tại trận Somme ở thế chiến thứ nhất đã nã 1,5 triệu quả đạn pháo với 1.537 khẩu đại bác trong 4 ngày, còn phía Hồng Quân đã nã được 500.000 viên đạn chỉ trong nửa giờ, nghĩa là họ hoàn toàn có khả năng nã đủ 1,5 triệu viên đạn pháo chỉ trong vỏn vẹn 1 giờ 30 phút. Đây được coi là trận pháo kích lớn nhất trong lịch sử chiến tranh từ xưa tới nay.
Đáng tiếc cho Hồng Quân Liên Xô, lối tiến công của họ trong trận này hoàn toàn trùng khớp với học thuyết quân sự của Liên Xô từ thời Nga Hoàng tới nay và đã bị phía Đức "bắt bài". Các chỉ huy Đức đã rút hoàn toàn quân lính của mình ở phòng tuyến đầu tiên về tuyến sau và chỉ để lại một số lượng rất ít binh lính ở phòng tuyến số hai, vậy nên hoàn toàn có thể coi cuộc pháo kích kinh hoàng này của Liên Xô gần như là vô dụng.
Binh lính Đức di chuyển về phía sau phòng tuyến tránh đối đầu với trận địa pháo khổng lồ của Liên Xô. Nguồn ảnh: BI. |
Thậm chí trong hồi ký của mình, Tướng Kuznetsov cũng phải thừa nhận rằng: "Pháo binh của chúng ta (Hồng Quân) đã nghiền nát tất cả mọi thứ ngoại trừ quân địch".
Mặc dù trận pháo kích kéo dài tới 3 đợt liên tục trong một buổi sáng nhưng thông tin báo về chỉ là một số lượng ít ỏi các đơn vị địch bị tiêu diệt một cách lẻ tẻ, ngoài ra phía Hồng Quân còn đánh bật được một vài đơn vị pháo cối, ổ đề kháng súng máy và pháo binh của Đức ở tuyến phòng thủ thứ 2.
Xe tăng T-34 của Hồng Quân Liên Xô bị bắn cháy trong trận chiến chiếm phòng tuyến Seelow Heights. Nguồn ảnh: BI. |
Sau những đợt nã pháo kinh hoàng sẽ là màn tiến công như vũ bão của lực lượng Bộ binh và Thiết giáp Liên Xô, tuy nhiên tuyến phòng thủ Seelow lại bị chia cắt bởi con sông Ober và một vùng đầm lầy rộng lớn hai bên phía bờ sông khiến lực lượng thiết giáp Liên Xô phải "đánh vật" với bùn lầy và không thể dành được sự chi viện hỏa lực tối đa cho lực lượng bộ binh tiến công.
Tuy nhiên, với số lượng bộ binh đông áp đảo hoàn toàn, phía Hồng Quân đã chiếm được phòng tuyến SeeLow chỉ sau vài ngày với tổn thất 33.000 người so với 12.000 lính Đức ở phía bên kia chiến tuyến.
Dù chịu tổn thất nặng nề nhưng thực sự 33.000 quân vẫn "không thấm vào đâu" so với hơn 2 triệu lính Hồng Quân trên mọi mặt trận đang ùn ùn kéo đến Berlin vào thời điểm đó. Trận chiến tấn công vào tuyến phòng thủ Seelow Heights đã diễn ra trong vỏn vẹn có 4 ngày từ 16/4 đến 19/4/1945, mở tung cửa tiến vào Berlin cho mọi lực lượng Hồng Quân ở mặt trận phía Đông và chỉ hơn nửa tháng sau đó, vào ngày 8/5/1945 phía Phát Xít Đức đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.