Nhằm để cạnh tranh với các ông lớn sản xuất máy bay như Boeing X-45C hoặc Northrop-Grumman X-47B của Mỹ, BAE Systems Taranis của Anh, EADS Barracuda của Đức-Tây Ban Nha, DRDO AURA của Ấn Độ và Mikoyan Skat, Sukhoi Okhotnik của Nga. Pháp đã cho ra lò loại UCAV nEUROn cũng không kém phần hoành tráng. Mẫu máy bay đầu tiên được xuất xưởng ngày 19/1/2012 và chuyến bay trình diễn công nghệ đầu tiên được thực hiện vào ngày 1/12/2012.
UCAV nEUROn bay thử nghiệm cùng tiêm kích Rafale |
Chiếc nEUROn có ngoại hình tương tự như chiếc Ave-C - nguyên mẫu thứ hai của máy bay không người lái Dassault Petit Duc, chiếc máy bay nEUROn này không có cánh đuôi và thiết kế cánh hình chữ W, được tích hợp các công nghệ điện tử hàng không, tàng hình, điều khiển và hệ thống vũ khí tiên tiến, có khả năng hoạt động trong không gian có kiểm soát và trong môi trường tác chiến hiện đại. Chiếc máy bay này có ba bánh để cất cánh và hạ cánh.
UCAV nEUROn được trang bị động cơ Rolls-Royce/Turbomeca Adour Mk.951 (loại đang được sử dụng trên máy bay BAE Systems Hawk 128). Cửa hút khí ở vị trí mặt lưng phía trên mũi máy bay. Động cơ có quạt và buồng đốt mới đồng thời máy bay cũng được trang bị hệ điều khiển động cơ kỹ thuật số hoàn toàn (FADEC) giúp giảm khối lượng công việc của phi công bằng cách thực hiện các thao tác tự động.
nEUROn có chiều dài 9,2m, sải cánh 12,5m trọng lượng riêng 5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa gần 7 tấn, tốc độ tối đa 0,8М, có thể bay trên không đến 3 giờ. Vũ khí dự kiến tích hợp cho nEUROn sẽ gồm bom Mk-82, CBU-12 và JDAM (nó có khả năng mang theo hai quả bom 250kg dẫn đường bằng laser trong hai khoang vũ khí). Với số bom đạn mang theo, nó tỏ ra lấn lướt hơn so với chiếc X-47B mà Hải quân Mỹ cũng đang tiến hành thử nghiệm. nEUROn được điều khiển từ các trạm trên mặt đất và từ các trạm điều khiển trong các máy bay chiến đấu như Rafale của Pháp hoặc Gripen của Thụy Điển.
Mới đây, Bộ Quốc phòng Pháp công bố kết quả thử nghiệm thành công nEUROn trên tàu sân bay Charles de Gaulle - cất cánh từ boong tàu sân bay và thực hiện chuyến bay kéo dài trong 1 giờ ở độ cao 304m với sự giám sát của các máy bay chiến đấu Rafale-M, nhằm đánh giá khả năng hoạt động của chiếc UACV này với nhiệm vụ do thám và tấn công, đặc biệt là khả năng tàng hình.
Mô hình UACV nEUROn trưng bày tại Triển lãm phòng không Paris, 6/2005 |
UACV nEUROn cũng được thử nghiệm bay trong đội hình với 5 tiêm kích Dassault Rafale và một máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không (AWACS) Boeing E-3F trong các điều kiện chiến thuật khác nhau, tại căn cứ không quân Istres - Le Tubé ở miền nam nước Pháp. Một trong những mục đích của việc thử nghiệm là nhằm đánh giá khả năng hiệp đồng của UAV tấn công này trong không gian hạn chế có tính đến các đặc tính khí động học của các loại máy bay khác nhau.
Kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm này sẽ được dùng cho chương trình máy bay chiến đấu tương lai SCAF (Franco-German-Spanish Future Combat Air System) do Pháp, Đức và Tây Ban Nha hợp tác. Dự án SCAF sẽ bao gồm một dòng tiêm kích thế hệ mới (NGF) có người lái nhưng đồng thời có thể hiệp đồng cùng các UAV có tính năng đặc thù, như trinh sát hay tấn công, trong môi trường tác chiến tương lai.
Có một số ý kiến lo ngại, nếu phi công chiến đấu ngồi trước màn hình máy tính thay vì buồng lái, họ sẽ không thể phán đoán tình hình chiến sự nhanh nhạy, từ đó có thể dẫn tới những sự cố đáng tiếc… Tuy nhiên các cường quốc vẫn đang đổ tiền phát triển các loại UCAV. Nhiều chuyên gia tin rằng, những chiếc UCAV sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt khi nó được sử dụng dưới dạng bầy đàn cùng với các chiến đấu cơ thế hệ 5+. Pháp đặt hy vọng rất nhiều vào nEUROn bởi nó được trang bị các công nghệ hiện đại mà nước này áp dụng cho các dự án chiến đấu cơ trong tương lai.