Anh Việt (ngụ ở P.Phước Long B, Q.9) vừa mua vé máy bay khứ hồi TP.HCM - Đà Nẵng giai đoạn cao điểm trước và sau tết của Vietnam Airlines (VNA) với giá cao ngất ngưởng: 4,4 triệu đồng. "Cũng lúc cao điểm tết, vé khứ hồi tôi mua vào năm ngoái của VNA chưa đến 2,8 triệu đồng, giá năm nay đã tăng quá mạnh" - anh Việt bức xúc nói. Chị Năm (ngụ ở H.Nhà Bè, TP.HCM) cũng vừa mua 4 vé khứ hồi cho cả nhà từ TP.HCM đi Vinh của hãng VietJetAir với giá 3,1 triệu đồng/một chiều. Tính ra cả 4 người đi và về tốn hết 24,8 triệu đồng.
Nhiều hành khách kêu vé máy bay tết quá cao - Ảnh: Mai Vọng |
Nhân viên của một đại lý bán vé máy bay ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, so với tết năm ngoái, giá vé máy bay ở tất cả các chặng năm nay cao hơn bình quân vài trăm ngàn đồng một vé. Đó là chưa kể, từ đầu năm 2013 cho đến nay, giá vé máy bay ngày thường cũng đã cao hơn so với năm ngoái.
Trên website đặt chỗ của VNA trong những ngày cao điểm tết chỉ có 2 mức giá hạng thương gia và phổ thông. Trên đường bay trục đông khách nhất là TP.HCM - Hà Nội, giá cao nhất là vé hạng thương gia, 5,56 triệu đồng/chiều và hạng phổ thông đồng giá 2,997 triệu đồng/một chiều. Cũng loại vé phổ thông, nếu mua trước ngày 22 tháng chạp mới có 3 mức giá vé từ thấp đến cao, trong đó mức thấp nhất khoảng 1,6 - 1,765 triệu đồng/chiều. Vé hạng phổ thông của Jetstar Pacific từ TP.HCM - Hà Nội trong các ngày cao điểm từ 22 - 30 tháng chạp có giá 2,65 triệu đồng/chiều, riêng ngày 28 tháng chạp 2,8 triệu đồng/chiều, trong khi một tuần lễ trước ngày 22 tháng chạp giá vé chỉ từ 1,42 - 2,05 triệu đồng/chiều. Vé của VietJetAir những ngày cao điểm có giá 2,62 triệu đồng/chiều cho loại vé Eco (được thay đổi ngày, giờ bay, hành trình và tên hành khách trước 24 giờ so với giờ khởi hành). Vé tết của 2 hãng này tuy có vẻ rẻ hơn nhưng lại chỉ miễn cước 7 kg hành lý xách tay, hành lý ký gửi phải trả cước, tính ra cũng ngang ngửa với giá vé của VNA.
Tương tự, giá vé tàu tết năm ngoái đã bị hành khách kêu là quá cao, năm nay lại tiếp tục tăng thêm từ 2 -10%. Hành trình nhanh nhất là tàu SE4 giữa Hà Nội - TP.HCM (khoảng 30 tiếng), giá vé giai đoạn 2 (từ ngày 20 - 29 tháng chạp) rẻ nhất là 1,5 triệu đồng cho một vé ngồi cứng có máy lạnh. Giá này ngang bằng vé máy bay của các hãng hàng không giá rẻ ngày thường. Loại vé cao nhất của tàu này là giường mềm máy lạnh tầng 1 là 2,115 triệu đồng, nếu tính thêm chi phí ăn uống trên tàu cũng gần bằng vé máy bay tết của các hãng hàng không giá rẻ. Với những đoàn tàu Thống Nhất hành trình chậm do dừng nhiều ga (tàu có mác TN), giá vé thấp hơn tàu mác SE, mức thấp nhất là 738.000 đồng (vé ngồi cứng) và cao nhất là 1,646 triệu đồng (nằm tầng 1 khoang 4 giường có máy lạnh).
Giải thích vì sao giá vé tàu tết những ngày cao điểm năm nay cao hơn từ 2 - 10% so với năm ngoái ở một số loại vé, ông Đinh Văn Sang - Phó TGĐ Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho biết, đó là do chi phí vật tư, nhiên liệu, giá điện,... năm nay đều tăng hơn năm ngoái. Ngoài ra, giá vé tăng ở chiều đông khách cũng để bù vào chi phí của chiều vắng khách, do có sự mất cân đối cung cầu giữa 2 chiều vận chuyển trong giai đoạn tết, không chỉ riêng ngành đường sắt mà của ngành vận tải hành khách nói chung.