Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội mua bán nhà đất Đà Nẵng xuất hiện những thông tin Đà Nẵng “sốt” đất, loạn giá, giật giá khiến nhiều người xôn xao.
“Sau một tháng cầm 2 tỷ và không mua được cái nào, em quyết định không mua nữa. Loạn giá ghê quá. Cùng một bất động sản mà hôm nay không mua, tuần sau lại giá khác, chênh 200-300 triệu” - một tài khoản than phiền.
Xuất hiện tình trạng chủ nâng giá, bẻ kèo
Nói với PV VietNamNet, anh Nguyễn Mạnh, một môi giới cho biết, giá đất nền Đà Nẵng tăng nhanh dẫn đến tình trạng chủ nâng giá, bẻ kèo. Anh Mạnh kể, cách đây mấy hôm anh đã để mất một giao dịch khá lớn. Sau khi đàm phán, chốt giá, khách đồng ý và bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng để cọc lô đất 22 tỷ ở khu An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Khi anh đưa khách qua để cọc, chủ lô đất bỗng “quay xe” đòi tăng giá vì thấy giá đất đang biến động.
Từ đầu năm đến nay, giá đất nền ở Đà Nẵng đã tăng khoảng 20%. Ảnh Diệu Thuỳ |
“Chủ lô đất có ý định bán lô An Thượng để đổi sang một lô đất ở vị trí khác. Nhưng lô đất họ muốn mua cũng đã tăng thêm vài tỷ. Nếu bán, họ sợ sẽ không mua được lô đất khác nên họ muốn tăng giá, nếu không sẽ dừng kế hoạch bán”, anh Mạnh kể.
Một trường hợp khác cũng vừa mới đây, khi anh dẫn khách qua cọc lô đất 100m2, giá 4,6 tỷ ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, chủ đất “nhảy” giá. “Lúc đầu chủ hô 4,6 tỷ nhưng đến nơi để cọc, không muốn bán, nâng giá lên 4,7 tỷ”, anh Mạnh cho hay.
“Người bán tưởng thị trường nóng, sốt nên dừng kế hoạch bán, đẩy giá cao hơn. Còn phía người mua, không ít người thấy giá bị đẩy lên cao, khó mua nên cũng ngưng xuống tiền”, anh Mạnh nói và cho biết việc này dẫn đến giao dịch trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Theo khảo sát của PV, giá đất nền tại một số khu vực của Đà Nẵng tăng mạnh. Khu vực Nam Hoà Xuân hiện phổ biến ở mức 33-45 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 68-70 triệu đồng/m2. Khu đô thị FPT giá thấp nhất từ 34 triệu đồng/m2. Còn tại khu vực Hoà Xuân, giá dao động trên dưới 40 triệu đồng/m2. Tại đường Thanh Lương 15, lô 100m2 có giá khoảng 4,2 tỷ đồng; đường Cồn Dầu 18 khoảng 4,3 tỷ đồng/lô; đường Cồn Dầu 24 giá 4,4 tỷ đồng... Các lô trên đã tăng khoảng 300-400 triệu đồng so với cách đây vài tháng.
Anh Nguyễn Đấu, quản lý Sàn giao dịch bất động sản Rồng Đỏ cho biết, phân khúc đất nền Đà Nẵng từ tháng 9 đến nay tăng giá khoảng 10%.
Theo anh Đấu, ngoài nhu cầu mua để ở, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư từ miền Bắc vào mua. Thị trường có nhiều thông tin hỗ trợ như khu Tây Bắc Đà Nẵng có khu thương mại tự do, còn khu Đông Nam có dự án Làng đại học đang triển khai.
“Thị trường có sự nhốn nháo, có tình trạng lướt cọc, đền cọc, ngưng bán, điều chỉnh giá. Nhiều người mua để ở vừa rồi giật mình với giá mới, vì chỉ trong vòng một tháng, lô đất họ hỏi trước đó đã tăng 300-400 triệu, thậm chí nhiều hơn”, anh Đấu nói và cho biết giá tăng nhanh rất đáng lo ngại và thực tế thanh khoản thị trường không cao.
Nhà đầu tư nên cẩn trọng, không đầu tư lướt sóng
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, thị trường đất nền Đà Nẵng có sự tăng trưởng tốt. Giá đất đã tăng trên 20% so với đầu năm.
Nguyên nhân do Đà Nẵng đón nhiều tin tốt về quy hoạch như thí điểm khu thương mại tự do, được Bộ Chính trị thông qua Đề án Trung tâm Tài chính khu vực, hay Làng đại học đã được khởi công... Bên cạnh đó, nền giá đất nền Đà Nẵng vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Đặc biệt đang có sự dịch chuyển dòng tiền từ phía Bắc vào khi Hà Nội đã đạt đỉnh cao.
Tuy nhiên, ông thừa nhận một tháng trở lại đây, tốc độ tăng trưởng đất nền Đà Nẵng đang lên nhanh và không đều. Có tình trạng người bán đổi ý và điều chỉnh, nâng giá bán.
“Những người có đất sợ bán đi sẽ không mua được chỗ khác. Tình trạng này xuất hiện khi nguồn cung mới khan hiếm. Nguồn cung đất nền hiện nay ở Đà Nẵng hầu hết là hàng thứ cấp”, ông Lập cho hay.
Ông Lập đánh giá, xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đi lên, tuy nhiên, nếu tăng nhanh, tăng nóng, tăng 10%/tháng chắc chắn sẽ sớm đứng lại. Theo ông, nhà đầu tư nên cẩn trọng, không đầu tư lướt sóng mà cần xác định đầu tư dài hạn, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý.