Nếu trước đây chỉ cần bỏ ra 650 USD là đã sở hữu những chiếc flagship đến từ Samsung hoặc Apple, thì giờ bạn phải bỏ ra đến 1.000 USD hoặc cao hơn để sở hữu chúng. |
1. Doanh số bán smartphone giảm sút
Trong 2 năm qua, các lô hàng điện thoại thông minh bán ra trên toàn cầu đang dần sụt giảm. Theo PhoneArena, nguyên nhân chính là do thị trường bão hòa khi ngày nay, chất lượng sản phẩm lẫn cấu hình smartphone ở các phân khúc đang dần tăng cao, khiến tuổi thọ thiết bị kéo dài và người dùng giữ lại điện thoại lâu hơn.
Về phần mình, các nhà sản xuất đã tăng giá sản phẩm để bù lại hao hụt do doanh số bán thấp. Giá bán tăng cao cũng khiến một bộ phận người dùng e ngại mua điện thoại mới mà tiếp tục dùng điện thoại cũ thêm một thời gian, vì không phải ai cũng chịu bỏ ra một khoản tiền để nâng cấp điện thoại trong một hoặc hai năm.
2. Người dùng thường không phải chi trả hoàn toàn cho một chiếc điện thoại
Các nhà mạng di động thường đưa ra nhiều dịch vụ ưu đãi về việc mua điện thoại với mức giá rẻ hơn so với giá niềm yết, cùng với gói thuê bao kèm theo để thu hút người dùng.
Với hình thức này, thay vì phải bỏ ra một lần 1.000 USD để mua flagship mới, người dùng có thể chia nhỏ khoảng tiền ra để trả hàng tháng. Làm vậy, các nhà sản xuất cũng có thể tăng giá sản phẩm dễ dàng hơn mà không bị người dùng nhận ra.
Với mức giá tăng 200 USD và chia đều cho 12 tháng, người dùng chỉ phải trả thêm 8 đô la cho mỗi tháng, tương đương hai tách cà phê. Và sau khi hoàn tất quá trình thanh toán, nếu nhận ra mức giá điện thoại tăng thì họ vẫn vui vẻ cho qua.
3. Điện thoại cao cấp nay càng "xịn" hơn
Ngày trước, khi nhắc đến flagship, ta thường nghĩ ngay đến những thiết bị có hiệu năng ấn tượng, trải nghiệm mượt mà và ổn định lâu dài. |
Ngày trước, khi nhắc đến flagship, ta thường nghĩ ngay đến những thiết bị có hiệu năng ấn tượng, trải nghiệm mượt mà và ổn định lâu dài. Nhưng ngày nay, mọi thứ đã thay đổi khi hầu hết các thiết bị tầm trung, hoặc thậm chí là giá rẻ cũng có thể đáp ứng những tiêu chí kể trên.
Từ đó làm cho các nhà sản xuất phải tìm ra hướng đi khác để đa dạng hóa tính năng và làm cho flagship của mình trở nên nổi bật trên thị trường smartphone đang cạnh tranh khốc liệt.
Những đặc điểm, tính năng mà các flagship ngày nay được đánh mạnh chủ yếu nằm ở camera, sạc không dây, chất liệu cấu thành hoặc thậm chí là cả màu sắc độc đáo. Tất cả đều hướng đến một thiết bị cao cấp về cả bên trong lẫn bên ngoài, sao cho xứng đáng với mức giá mà phía nhà sản xuất đưa ra.
Apple là người đầu tiên tiên phong trong việc tăng giá điện thoại thông minh, chạm mức 1.000 USD cho siêu phẩm kỷ niệm 10 năm ra mắt iPhone, iPhone X. Vào thời điểm đó, Táo khuyết đã phải nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cho đến nay, nó lại là… một chuẩn mực. Đồng loạt các ông lớn khác như Samsung, Huawei sau đó đều sở hữu cho mình những flagship nghìn đô.
Nhưng liệu giá bán leo thang có ngừng lại ở con số 1.000 USD?
Hiện tại, cả Apple iPhone XS Max và Samsung Galaxy Note 10+ đều có giá khởi điểm 1.099 USD với tùy chọn cơ bản. Qua đây có thể thấy, các nhà sản xuất smartphone đã thành công trong việc tăng giá sản phẩm, đặc biệt là các thiết bị cao cấp. Nhưng liệu người dùng có thực sự muốn sở hữu một siêu phẩm với giá nghìn đô như hiện nay.
Điển hình như Apple khi doanh số bán iPhone 2018 sụt giảm. iPhone XR với giá 749 USD, rẻ nhất trong bộ ba iPhone 2018, lại nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của người dùng và trở thành chiếc smartphone phổ biến nhất năm 2018. Có vẻ Apple đã trang bị đủ những nâng cấp cần bên trong một mức giá phải chăng, hoặc đơn giản là người dùng chỉ cần một thiết bị tốt trong tầm giá mà không cần bỏ ra đến 1.000 USD.
Còn về Samsung, ta sẽ thấy đôi chút khác biệt khi Galaxy S10+, chiếc điện thoại đắt nhất trong bộ ba Galaxy S năm nay, lại là thiết bị bán chạy nhất. Tuy nhiên, điện thoại Samsung thường đi kèm quà tặng nên người dùng có thể chọn không lấy quà trừ tiền, khiến mức giá S10+ giảm còn 800 USD – quá hời so với những gì mà Samsung mang lại.
Và với Note 10/Note 10+, Samsung đã đưa ra mức giá 945 USD cho phiên bản Note 10 thường và 1.100 USD cho phiên bản Plus. Qua đó, gã khổng lồ Hàn Quốc đã biết cách chiều lòng người dùng, cũng như có thể đề ra mức giá cao hơn cho phiên bản Note 10+ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Với những ai có hầu bao dư dả, họ sẽ không quan tâm đến mức giá phải bỏ ra mà chỉ quan tâm đến thiết bị mình sở hữu phải là tốt nhất, cao cấp nhất.
Nhưng vẫn còn đó một số nhà sản xuất duy trì mức giá phải chăng cho các flagship, điển hình như OnePlus. OnePlus 7 phiên bản thường sẽ dành cho những ai cần một thiết bị có giá phải chăng nhưng mang trong mình thông số phần cứng cao cấp, đúng với triết lý ban đầu mà OnePlus hướng tới. Trong khi đó, phiên bản Pro sẽ nhắm đến những người dùng khó tính hơn, đòi hỏi những trải nghiệm cao cấp như màn hình 90Hz và camera thứ ba. Kết quả là OnePlus đã thành công trong việc tăng giá sản phẩm với 999 USD cho OnePlus 7 Pro.
5G – Công cụ hợp lý hóa việc tăng giá smartphone trong năm 2019
Công nghệ mạng 5G đang trong bước đầu triển khai rộng rãi nên các hãng smartphone sẽ tận dụng lợi thế ấy như một tính năng cao cấp, lấy làm lý do tăng giá sản phẩm.
Theo Futureproofing, trung bình một chiếc smartphone được trang bị 5G trong năm 2019 sẽ có giá bán đắt hơn từ 150 đến 200 đô la, khiến giá bán flagship đã đắt nay còn đắt hơn.
Ở thời điểm này, gần như các hãng đã đẩy giá smartphone chạm đỉnh nên bạn đừng lo khi vẫn có thể mua flagship với giá 1.000 USD trong vài năm tới. Tuy nhiên chúng vẫn có thể đắt hơn nhiều khi được trang bị những yếu tố kể đây.
Điện thoại màn hình gập sẽ đưa giá bán lên một tầm cao mới
Điện thoại màn hình gập đã mở ra một tương lai mới khi hàng loạt các ông lớn như Huawei, Samsung đều trình làng riêng cho mình một smartphone màn hình gập. Tuy chúng vẫn còn nhiều bất cập nhưng không sớm thì muộn, thị trường di động sẽ trở nên nhộn nhịp hơn khi có sự góp mặt của các thiết bị màn hình gập.
Và tất nhiên, giá bán của chúng sẽ không mấy dễ chịu. Điển hình như giá bán niêm yết của hai siêu phẩm màn hình gập đến từ Samsung và Huawei, Galaxy Fold và Mate X, đều nằm ở khoảng 2.000 USD (đã tính phí trang bị 5G). Sẽ thật điên rồ nếu trong tương lai, các hãng đẩy giá những thiết bị màn hình gập vượt ngưỡng 2.000 USD, hoặc thậm chí là 2.5000 USD.
Tổng kết
Việc giá bán leo thang cho thấy thị trường di động đang chuyển biến mạnh mẽ và dẫn đến một đợt tăng giá chung cho toàn bộ các phân khúc. Nhưng nếu bạn kiên quyết không bỏ ra 999 USD để mua một flagship thì không sao, vẫn còn một vài hãng duy trì việc bán flagship giá rẻ, điển hình như Xiaomi.
Giữa một thị trường smartphone đang cạnh tranh khốc liệt, người có lợi nhất chính là chúng ta đây. Khi các hãng tăng giá bán flagship cũng sẽ kéo theo một bộ phận người dùng không mấy mặn mà với chúng, thay vào đó họ sẽ chuyển sang các phân khúc điện thoại thấp hơn. Lúc ấy, các hãng sẽ cạnh tranh, đưa ra những công nghệ, tính năng mới đáng giá so với số tiền mà người dùng phải bỏ ra.
Nhìn chung, tình hình giá bán smartphone tuy cao nhưng vẫn có thể kiểm soát. Việc của chúng ta bây giờ là phải cân nhắc khi mua smartphone mới sao cho những thứ mà nó mang lại tương ứng với số tiền đã bỏ ra.
Mời các bạn tham gia Group Cộng đồng VnReview để thảo luận và cập nhật tin tức công nghệ cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.