Ảnh: Gelex. |
Trong hai ngày 7-8/8/2024, CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) đã mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank bằng phương thức giao dịch trên sàn.
Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Gelex tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng từ 4,9% lên 10% vốn điều lệ của ngân hàng này. Đây cũng là mức tỉ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Với sự thay đổi này, Gelex hiện là cổ đông lớn duy nhất của Eximbank.
Như vậy, ngoài tỷ lệ 10% của Gelex, cơ cấu cổ đông của Eximbank còn có Chứng khoán VIX (3,58%), Công ty Thắng Phương (3,07%), Bà Lương Thị Cẩm Tú (1,12%) và bà Lê Thị Mai Loan (1,03%).
Trong vòng 2 năm qua, cơ cấu cổ đông Eximbank đã biến động khá mạnh khi một loạt nhóm cổ đông đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC (15%), VinaCapital (gần 5% vốn), nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc cũng như Vietcombank. Chứng khoán SHS cũng từng nắm giữ gần 1,1% vốn của Eximbank.
Eximbank tiền thân là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, thành lập vào ngày 24/05/1989, thời hạn hoạt động 50 năm với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng.
Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên, lại có lợi thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Eximbank lúc đó còn nổi danh trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng, và là một trong những ngân hàng có thế lực lớn trên thị trường tài chính.
Tuy nhiên, những biến cố liên tục ập đến với Eximbank giai đoạn cách đây một thập kỉ trước khiến ngân hàng này lao đao. Vấn đề lớn nhất của Eximbank qua nhiều thời kỳ là việc không có những "ông chủ" thực sự, không có cổ đông lớn đủ có quyền quyết mọi vấn đề. Do vậy tại Eximbank từ nhiều năm nay thường xuyên xuất hiện những sóng gió nội bộ. Việc thay máu các lãnh đạo cấp cao của nhà băng này cũng diễn ra thường xuyên hơn so với các ngân hàng khác.
Về Tập đoàn Gelex, tập đoàn thành lập năm 1990, hoạt động trong 2 lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thiết bị điện và hạ tầng, khu công nghiệp với hệ sinh thái thương hiệu mạnh gồm các tên tuổi như: CADIVI, THIBIDI, Viglacera.
Hiện, Gelex có hơn 50 công ty thành viên và liên kết với tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2024 đạt 52.442 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm, Gelex ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên tới 1.770 tỷ đồng, thực hiện 92,1% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2024. Trong đó, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh do đóng góp từ lợi nhuận tài chính từ việc hoàn tất 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho đối tác Sembcorp.