Cứ có ai bị thú vồ, ăn thịt, thì dân bản lại lấy tên người, hoặc tên thú để đặt tên cho địa danh. Những cái dốc Hổ, khe Hổ nhiều nhất, rồi đến dốc Gấu, khe Lợn, suối Voi… Khi tên địa danh đặt cho con thú nhiều quá, dễ lẫn lộn, thì lấy tên người bị thú tấn công đặt tên.
Ngày xưa, đường từ bản Đoàn Kết lên Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên) mất nửa ngày cuốc bộ ròng rã, thì giờ xe chạy bon bon vài phút.
Xe đổ dốc, ông Lùng Hừ Tư, cán bộ xã Chung Chải bảo, đó là con dốc Mai Lềnh, mang tên của ông Chang Mai Lềnh, người bản Đoàn Kết. Tên ông Lềnh gắn liền với câu chuyện gấu dữ tát người.
Ông Chang Mai Lềnh (Ảnh: Doãn Hoàng) |
Hồi đó, vào tháng 11/1998, ông Chang Mai Lềnh cùng 2 người vào Leng Su Sìn ăn cưới xong thì rủ nhau đi bộ về bản Đoàn Kết. Khi đó, chỉ có con đường độc đạo, rất nhỏ, thú nhiều, nên mọi người đi đâu cũng phải đông, mang theo dao, súng phòng thân.
Đến đồi cỏ gianh Sàng Su Pho, chỉ còn cách Đoàn Kết 20 phút đi bộ, đoạn lên dốc, thì cả ba người sững lại, khi trước mặt là con gấu to tướng.
Mọi người chưa kịp hoàn hồn, thì con gấu xông đến, nhằm thẳng mặt ông Lềnh tát, rồi lấy cái thân nần nẫn thịt đè lên ông. Con gấu dùng 2 tay với móng sắc cào mặt, lột cả da vai. Hai người bạn đi cùng đã liều mạng xông đến, dùng dao chém tới tấp.
Thấy bị tấn công đột ngột, con gấu mới bỏ đi. Cũng may, hôm đó có 2 người cùng bản, chứ nếu đi một mình, thì chắc chắn ông Lềnh đã mất mạng dưới móng vuốt và hàm răng của gấu.
Ông Lềnh nhanh chóng được cán bộ y tế của đồn biên phòng cấp cứu. Con dốc ở đồi Sàng Su Pho được đặt tên là dốc Mai Lềnh từ đó.
Mặc dù hổ là chúa tể rừng xanh, ăn thịt người, nhưng thống kê chi tiết, mới biết rằng, số người chết, bị thương do gấu vồ nhiều hơn hổ tấn công. Chỉ những con hổ bị thương, già yếu, không còn nhanh nhẹn để bắt thú, mới bắt người, chứ giống gấu nhiều khi tấn công người mà không cần lý do.
Cảnh mây tràn qua núi ở A Pa Chải. |
Tuy nhiên, những vụ chúng tự dưng tấn công người thì chỉ gây thương tích, bởi có thể con người xâm phạm địa bàn, quấy nhiễu cuộc sống của chúng, nên chúng cảnh báo. Những vụ con người chủ động tấn công, giết hại chúng, mà chúng không chết, thì đều nhận kết quả thảm khốc.
Ở bản Sen Thượng (xã Sen Thượng), có một quả đồi tên là đồi Gấu, bởi nó gắn với cái chết thảm khốc của thợ săn Toán Kiêm Pò.
Ông Pò sinh năm 1960, là thợ săn rất tài ba ở vùng biên cương này. Trong vùng, hễ hổ tấn công trâu, bò, ăn thịt người, người ta đều gọi Toán Kiêm Pò đến bắn hạ.
Không biết có bao nhiêu hổ, gấu, bò tót, lợn độc chiếc đã bỏ mạng dưới nòng súng của Toán Kiêm Pò. Thế nhưng, rốt cục, Toán Kiêm Pò lại chết dưới móng vuốt của gấu một cách lãng xẹt.
Hôm đó, vào cuối năm 1995, buổi sáng, ông Toán Kiêm Pò lên nương làm việc. Dù lên nương hay đi đâu, ông Pò cũng luôn mang theo khẩu súng bên mình. Làm việc nương rẫy xong sớm, thì tranh thủ vào rừng bắn con thú cải thiện.
Bữa đó, đang phát nương, thì bỗng thấy con gấu, nên ông rút súng bắn. Dân bản Sen Thượng nghe thấy tiếng súng nổ mỗi tiếng, rồi im bặt luôn, ngay sau đó là tiếng kêu cứu của ông Pò.
Mọi người biết có chuyện chẳng lành, liền chạy đến nương của ông Pò, thì thấy con gấu đen khổng lồ, nặng đến 2 tạ đang lững thững bỏ đi. Phía sau lưng nó là ông Toán Kiêm Pò nằm bất động, máu me be bét, không còn rõ mặt mũi nữa.
Con gấu đã cào rách mặt, lột cả mảng da đầu, ngoạm đứt cả họng ông Pò. Lúc đó, mọi người mới biết rằng, ông Pò bắn con gấu, nhưng nó không chết, tấn công giết hại ông. Mai táng xong cho ông Pò, thì người dân gọi quả đồi đó là đồi Gấu.
Ngay ở bản Leng Su Sìn, cũng có quả đồi mang tên đồi A Chừ. Tại quả đồi ấy, vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, ông Sừng A Chừ bắn con gấu, nhưng phát đạn không giết được nó. Con gấu nổi điên tấn công vả lột cả mảng da mặt, móc mất bên tai, xé toạc cả một bên vai. May mắn là ông A Chừ giữ được tính mạng. Ông Chừ qua đời mấy năm trước vì bệnh tật.
Càng đi vào sâu phía biên giới, càng được nghe nhiều chuyện về gấu vồ, hổ ăn thịt người. Ở A Pa Chải, bản tận cùng Tổ quốc, tính sơ sơ cũng có đến chục người bị hổ ăn thịt, cả chục người bị gấu vồ.
Xưa kia, A Pa Chải là một bản nhỏ, chỉ có độ hai chục nóc nhà, sống lẻ loi trên sườn núi, bao quanh là rừng già hoang thẳm, mây phủ vần vũ quanh năm.
Thương tâm nhất là bản chuyện của bố con ông Mạ Cà Xề. Ông Xề sinh năm 1950, nhà ở ngay đầu bản A Pa Chải. Cả đời ông Xề không ra khỏi rừng xanh, không được giao lưu nhiều, nên không nói được câu tiếng Kinh nào.
Ông Mạ Cà Xề kéo áo khoe vết gấu cắn (Ảnh: Doãn Hoàng). |
Ông Xề kể rằng, năm 1984, buổi trưa, đang nằm trước nhà thiu thiu ngủ, thì nghe tiếng chim rừng ríu rít ở mảnh nương trước nhà. Ngày xưa, chim rừng nhiều, đi thành đàn như châu chấu, kéo đến nương ngô, nương lúa ăn sạch bách, nên ông trở dậy chạy lên nương đuổi chim.
Đuổi xong đàn chim, ông vào chiếc chòi canh nương hút điếu thuốc lào. Đang rít thuốc, thì một con gấu nặng đến 1 tạ lững thững đi từ trong rừng vào nương bẻ ngô.
Với người dân ở A Pa Chải, chuyện gặp gấu là bình thường, đặc biệt gấu đi lạc vào nương, hoặc cố tình vào nương rẫy là chuyện cơm bữa. Hầu như ai cũng được trang bị kiến thức đối phó với gấu. Nếu không tấn công nó, thì chỉ việc đuổi nhẹ nhàng là nó bỏ đi, chứ không tấn công lại.
Thế nhưng, con gấu này thì khác, dù ông Xề cầm thanh củi ném, hay nhặt hòn đá quăng, nó vẫn không thèm để ý. Nó cứ lạnh lùng tiến về phía ông Xề. Khi còn cách vài mét, nó đột ngột tăng tốc xông vào ông tát lấy tát để, rồi đè ngửa ông Xề ra.
Biết không thể chống cự, ông Xề nhắm mắt giả vờ chết, rồi ngất xỉu luôn. Con gấu nghĩ ông Xề đã chết, nên nó bỏ đi. Lát sau, hồi tỉnh lại, ông Xề thấy có nhiều người bên mình. Thân thể ông bê bết máu. Con gấu đã lột mảng da đầu, móc rơi mảng thịt ở cằm, gặm hai cánh tay nham nhở, đứt gân te tua.
May mắn là ông Phù, người cùng bản đi nương về, ghé qua, phát hiện ông Xề nằm bất động, đã hô hào dân bản ứng cứu. Mọi người làm cáng, khênh ông về nhà, rồi ai biết cây thuốc gì, đều hái về đắp, sắc cho ông uống.
Mất hai tháng sau, ông Xề mới tỉnh lại, nhưng không đi lại được, vì bị liệt nửa người. Ông Xề bị gấu lột da, móc thịt mà vẫn sống được cũng là một kỳ tích lạ lùng.
Nhà trình đất của người Hà Nhì ở ngã ba biên giới. |
Oan nghiệt vì thú rừng chưa dừng lại ở đó. Khi gia đình còn nặng gánh với ông Xề, thì 10 năm sau, lại đến lượt con trai ông Xề, là anh Mạ Pó Lòng bị loài thú hung dữ này tấn công.
Bữa đó, Pó Lòng xách súng vào rừng bắn con thú về cải thiện, nhưng đang mò mẫm trong rừng thì gặp con gấu đang hý hoáy lấy mật ong trên cây cao.
Thợ săn thú dữ thường cẩn thận bằng cách lập giàn bắn trên cao, bắn con thú dưới đất, đằng này, Pó Lòng lại đứng dưới đất bắn con thú ở trên cây. Pó Lòng vừa giương súng, chưa kịp bắn, thì con gấu nhảy từ trên cây xuống, vồ trúng Pó Lòng. Cú vồ đó khiến Pó Lòng ngã bổ ngửa và ngất luôn.
Con thú còn cào, cắn thêm cho Lòng vài cái, khiến áo rách tả tơi, da thịt toạc cả ra, rồi mới bỏ đi. Tỉnh dậy, Pó Lòng băng vết thương, rồi tự tìm về. Về đến nhà, Pó Lòng kiệt sức, lăn ra ngất.
Không chỉ người dân ở vùng ngã ba biên giới này, mà ở chốn rừng thẳm, người ta đều kể chuyện về loài gấu biết trả thù. Loài gấu rất ghét những người săn bắn, nên nếu gặp thợ săn, là chúng tìm cách tấn công. Nếu bắn chúng bị thương, chúng sẽ tấn công giết chết người bắn chúng.
Các cụ già sống lâu năm ở vùng ngã ba biên giới tin rằng, hễ mỗi người hạ một con thú lớn, thì ắt có mạng người phải mất mạng vì thú.