Không bàn đến chuyện FLC Thanh Hóa thắng hay thua ở vòng 17, hãy thử tưởng tượng, nếu V-League năm nay không có đội bóng xứ Thanh, cuộc đua đến ngôi vô địch sẽ như thế nào? Các khán đài sẽ nguội lạnh ra sao?
Và không tính đội đầu bảng FLC Thanh Hóa (hiện có 33 điểm), phần còn lại của nhóm đầu V-League gần như chỉ là cuộc chơi của các đội bóng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển.
Đội nhì bảng hiện giờ đang là CLB Hà Nội với 31 điểm, xếp ngay sau CLB Hà Nội là CLB Sài Gòn với 30 điểm. Cả hai đội bóng trên, đều là các đội bóng của bầu Hiển.
Ở vị trí thứ 5, lại là một đội bóng khác có liên quan đến bầu Hiển: Quảng Nam (29 điểm)
Đứng thứ 7 cũng là một đội bóng khác sở hữu của ông bầu Đỗ Quang Hiển: SHB Đà Nẵng (25 điểm). Xếp ngay trên SHB Đà Nẵng 1 bậc là Than Quảng Ninh (27 điểm) – đội bóng cũng nhận một phần tài trợ từ ngân hàng SHB, thuộc… bầu Hiển.
FLC Thanh Hoá gần như là đội duy nhất một mình đua đến ngôi vô địch với hàng loạt đội bóng của bầu Hiển (ảnh: Trọng Vũ). |
Nói các đội bóng của bầu Hiển hoặc chịu ảnh hưởng của bầu Hiển ổn định để đồng loạt nằm trong nhóm đầu V-League cũng được, mà đặt vấn đề ngược lại, rằng một giải đấu có đến 4 – 5 CLB cùng thuộc sở hữu hoặc cùng chịu ảnh hưởng của một ông chủ thì còn ai chen vào nỗi nữa, có lẽ cũng chẳng sai.
Cũng đừng nên đặt vấn đề theo kiểu nếu bầu Hiển rút, thì V-League hiện nay ra sao, V-League còn ai chơi? Mà hãy hỏi ngược lại, rằng đá một giải mà phải đồng loạt đối đấu với 4 -5 đội bóng của cùng ông bầu thì còn ai muốn tham gia, còn ai muốn nhảy vào cuộc chơi đấy?
Còn đâu là sự sòng phẳng trong một giải đấu mà một ông bầu lại chi phối quá nhiều đội bóng, từ đó chi phối đến chính giải đấu?
Các đội bóng của bầu Hiển đồng loạt đứng ở các vị trí cao sau khi V-League trở lại (ảnh: Gia Hưng). |
Bởi vậy, hãy thử hình dung, nếu FLC Thanh Hóa không quyết tâm lao vào cuộc đua vô địch V-League với các đội bóng của bầu Hiển, giải vô địch quốc gia còn có gì đáng để theo dõi? Nếu không có FLC Thanh Hóa mạnh bước chen chân vào giữa các đội bóng của bầu Hiển, cuộc đua nội bộ của nhóm các đội bóng cùng thuộc sở hữu của một ông chủ liệu còn gì vui?
Mà vui hay không thì hãy hỏi khán giả, hãy tìm câu trả lời trên các khán đài xung quanh các trận đấu của các đội bóng thuộc bầu Hiển: Tất cả 4 đội CLB Hà Nội, CLB Sài Gòn, Quảng Nam và SHB Đà Nẵng chẳng đội nào trong số này giờ thu hút đông người hâm mộ.
Đặc biệt là 2 đội bóng ở 2 đô thị lớn nhất nước gồm CLB Hà Nội và CLB Sài Gòn, số fan ruột của họ gần như không đáng kể.
Sân Thống Nhất tối 10/9 đông khán giả không phải nhờ chủ nhà Sài Gòn FC, mà nhờ sự hiện diện của đội khách FLC Thanh Hóa (Ảnh: Trọng Vũ). |
Chỉ đến khi các đội đấy đụng độ Hải Phòng, SL Nghệ An (các trận đấu ở phía Nam) hoặc FLC Thanh Hóa, lượng người xem mới đông, nhờ CĐV của… đội khách, tức là của các đối thủ của CLB Sài Gòn hay CLB Hà Nội.
Ví dụ như ở lượt trận vòng 17, sân Thống Nhất đông hơn hẳn ngày thường, nhờ hơn chục ngàn khán giả xứ Thanh ngồi đầy ở các khán đài. Lượng khán giả Thanh Hóa quá đông khiến BTC trận đấu quyết định nhường luôn khán đài B, vốn là khán đài quen thuộc của CĐV chủ nhà cho đội khách.
Cũng hãy thử tưởng tượng, nếu không có lượng CĐV Thanh Hóa đông đảo vừa nêu, V-League sẽ còn thống kê được bao nhiêu khán giả? Bao nhiêu khán giả trung bình? Trong bối cảnh mà sân Vinh không còn là “chảo lửa”, sân Lạch Tray không đông như thường lệ, còn SHB Đà Nẵng sau khi dời về đá ở sân Hòa Xuân chưa bao giờ đón lượng khán giả tương tự như hồi còn đá ở sân Chi Lăng.
Thành ra, đặt trường hợp FLC Thanh Hóa không còn mặn mà chạy đua đến ngôi vô địch như bây giờ, V-League còn có gì đáng để xem và còn ai xem?