HĐQT Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) vừa ra nghị quyết giao Tổng giám đốc đơn vị này thuê tư vấn pháp luật hỗ trợ, đánh giá hậu quả của việc hủy thầu với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing, Trung Quốc.
Hiện trường đường ống cấp nước sông Đà đã vỡ lần thứ 9 - Ảnh: Q.Thế |
Sau khi có ý kiến của luật sư, Tổng giám đốc sẽ trình hội đồng quản trị công ty xem xét, quyết định.
Liên quan tới việc xem xét gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu và hiệu lực đảm bảo dự thầu gói thầu cung cấp đường ống nước sông Đà, hội đồng quản trị Viwasupco cũng yêu cầu Tổng giám đốc giải trình về việc không ký hợp đồng với nhà thầu Xinxing trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2016 (thời gian chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải đến hoàn thiện ký kết hợp đồng) đến 7/4/2016 (thời gian có yêu cầu của Thủ tướng).
Hội đồng quản trị Viwasupco cũng quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc Bản quản lý dự án hiện tại đối với ông Bùi Minh Trường, bổ nhiệm ông Lê Minh Quý - Phó giám đốc công ty kiêm giữ chức Giám đốc Ban quản lý dự án.
Trước đó, đã có 21 nhà thầu mua hồ sơ gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2, nhưng khi nộp hồ sơ chỉ còn lại bốn.
Sau đó có hai hồ sơ không hợp lệ, một hồ sơ không đạt nên chỉ còn Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng thầu.
Đến ngày 16/12/2015, chủ tịch HĐQT Viwasupco có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu, theo đó chỉ có duy nhất nhà thầu Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing được phê duyệt đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu.
Hai ngày sau đó, hồ sơ của nhà thầu được mở niêm phong tại trụ sở của tòa nhà Vinaconex (34 Láng Hạ, Hà Nội). Trải qua một số bước khác, đến ngày 27/1/2016 Viwasupco đã tổ chức thương thảo hợp đồng với Công ty Xinxing.
Đến ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Phó Thủ tướng) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex - chủ đầu tư dự án) yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng để nghiên cứu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến dự án như văn bản kiến nghị của UBND TP Hà Nội.
Mời độc giả xem video: Kinh hoàng công nghệ sản xuất nước ngọt bẩn, người không uống cũng mắc bệnh: