Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, trong tháng 11/2024, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 239 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng mạnh 36% so với tháng 10/2024, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng vượt trội của doanh số OTC so với tháng 10 nhờ các chương trình cuối năm. Kênh ETC tiếp tục đà tăng bền vững ở mức 7% so với tháng trước và 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh tăng trưởng doanh thu, việc nâng cao hiệu suất sử dụng nhà máy và tối ưu hóa chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý, đã thúc đẩy biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể. Nhờ đó, EBITDA và lợi nhuận trước thuế tháng 11 lên cao kỷ lục, ở mức 74 tỷ đồng và 65 tỷ đồng; tăng lần lượt 43% và 52% so với cùng kỳ.
Lũy kế 11 tháng năm 2024, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.967 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và tương đương hoàn thành 83% kế hoạch năm.
Kênh ETC tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng 54%, chủ yếu nhờ vào các sản phẩm thuốc tiêm giá trị cao theo chuẩn EU-GMP, khẳng định hiệu quả của chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường OTC đối mặt với nhiều thách thức kéo dài.
EBITDA lũy kế 11 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, nhờ gia tăng công suất sản xuất tại IMP2 và IMP4. Lãi trước thuế luỹ kế 11 tháng giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ còn 358 tỷ khi chịu chi phí khấu hao đáng kể ở nhà máy IMP4.
Ảnh minh họa |
Imexpharm tiền thân là Xí nghiệp Liên Hiệp Dược Đồng Tháp, trực thuộc Sở Y tế Đồng Tháp, thành lập năm 1983. Năm 1992 đổi tên thành Công ty dược phẩm Đồng Tháp trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp. Cuối năm 1999, tiếp tục đổi tên thành Công ty Dược phẩm Trung ương 07 trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam (UPCoM: DVN).
Doanh nghiệp chính thức cổ phần hoá năm 2001 và đổi sang tên CTCP Dược phẩm Imexpharm. Imexpharm là công ty dược đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn vào năm 2006.
Hiện tại, Imexpharm đang sở hữu 4 cụm nhà máy tại Đồng Tháp, TP. HCM và Bình Dương, trong đó có 3 cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP với tổng cộng 11 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Ngoài các sản phẩm mang thương hiệu của Imexpharm, công ty cũng trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Pharmacience Canada, Sanofi – Aventis... Imexpharm còn đặt kế hoạch xây dựng tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp theo tiêu chuẩn EU-GMP, với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm. Dự án dự kiến khởi công quý 3/2025 và hoàn thành cuối năm 2028.
Ở diễn biến mới nhất, theo nguồn tin từ Bloomberg, SK Group đang cân nhắc bán 65% cổ phần tại Dược phẩm Imexpharm. SK Group hiện đang sở hữu 65% cổ phần tại hãng dược, cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua các tổ chức liên quan (gồm Bình Minh Kim và KBA).
Trước đó, SK Group chính thức trở thành cổ đông chiến lược, tham gia vào ban quản trị của Imexpharm từ năm 2020 sau khi mua gần 25% cổ phần thông qua công ty con SK Investment Vina III với số tiền không được tiết lộ.
Tập đoàn Hàn Quốc này đang làm việc với một đơn vị tư vấn tài chính về việc thoái vốn, các cuộc thảo luận đang diễn ra. Đại diện của SK Group từ chối bình luận về vấn đề này.
Quyết định thoái vốn của SK Group được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu của Imexpharm liên tục tăng mạnh trong năm nay. Đóng cửa phiên giao dịch 23/12, cổ phiếu IMP đang ở mức 49.000 đồng/cp, tính từ đầu năm, mã này đã tăng gần 80%.