Sở GTVT TP HCM vừa có báo báo kết quả đánh giá tính khả thi, hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) lên UBND TP.
Theo Sở GTVT TP HCM, sau khi khảo sát lượng khách năm đầu tiên chỉ khoảng 17.700 người/ngày, không giống như dự báo trước đây là hơn 24.700 người. Số lượng hành khách không nhiều hơn so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn.
Hình ảnh thiết kế nhà ga và xe buýt nhanh BRT số 1 tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Ảnh: Sở GTVT TP HCM. |
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.
Tại cuộc họp với Sở GTVT, nhà đầu tư mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thống nhất phương án dừng triển khai dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1, thay vào đó chỉ đạo Sở GTVT sớm triển khai tuyến buýt chất lượng cao thay thế.
Cũng tại buổi họp này, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông - Đô thị TP (UCCI), chủ đầu tư dự án buýt nhanh, cho rằng 6 lý do để làm tuyến buýt chất lượng cao ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt thay cho tuyến BRT số 1. Đó là phù hợp, làm được, hiệu quả, thành mạng lưới, an toàn và gắn với chiến lược phát triển giao thông công cộng của TP.
Trước đó, UBND TP.HCM đã giao UCCI làm chủ đầu tư việc nghiên cứu và thực hiện tuyến xe buýt nhanh số 1 qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 23 km (lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) với tổng vốn khoảng 144 triệu USD.