Đối với đông đảo khán giả truyền hình, Táo Quân là một "món ăn" tinh thần không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Khai thác những vấn đề nóng được lồng ghép một cách đầy hóm hỉnh, khéo léo kèm theo đó là những trào lưu ầm ĩ của năm, chương trình đã lập tức gây sốt với nhiều câu thoại, phát ngôn độc đáo và không kém phần sâu cay của mình.
BTC Táo Quân đã đăng kí bản quyền chương trình để tránh trường hợp bị các đơn vị khác vi phạm. |
Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian 15 năm phát sóng, Táo Quân cũng vướng phải không ít lùm xùm. Đặc biệt, việc Táo Quân bị hàng loạt các đơn vị vi phạm bản quyền, trong đó có Youtube - mạng xã hội lớn nhất nhì hiện nay là chủ đề nhận được vô số sự quan tâm của khán giả.
Ngay từ lúc phát sóng trên VTV (từ 20 giờ tối giao thừa 15/2), nhiều kênh YouTube đã phát trực tiếp Táo quân 2018 từ bản quay trực tiếp trên truyền hình. Những kênh YouTube này đã dùng nhiều cách lách sự kiểm soát của kênh chủ, như bóp méo màn hình, thu nhỏ hoặc phóng to màn hình, lọc tiếng để tạo sự khác biệt so với bản gốc. Lượng người xem trực tiếp trên các kênh YouTube này khá lớn. Sau một ngày, có kênh YouTube số lượng xem trực tiếp và xem lại đã lên đến hơn 100.000 lượt.
Đặc biệt hơn, vào chiều mùng 1 tết, sau khi VTV chính thức phát sóng Táo quân 2018 bản đầy đủ trên kênh YouTube của mình, một số kênh YouTube khác cũng đã phát nguyên bản đầy đủ này, bất chấp đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quy định về bản quyền.
Trước đó, lường trước được việc vi phạm bản quyền sẽ xảy ra, VTV đã đặt vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền chương trình truyền hình lên hàng đầu. Trong đó có chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân. Đây cũng là chương trình được VTV đăng ký bản quyền tại Mỹ và đang triển khai các bước nhằm bảo vệ bản quyền chương trình này tại Việt Nam. Việc đăng ký bản quyền chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân tại Mỹ được xem là hành động đầu tiên trong nỗ lực bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình của VTV trên toàn thế giới.
Thực trạng vi phạm bản quyền các chương trình phát sóng của VTV trên các trang mạng xã hội được đánh giá là rất nghiêm trọng. Theo tin từ VTV, mỗi ngày, Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số (trực thuộc VTV) báo cáo phát hiện hàng trăm tài khoản vi phạm bản quyền. Con số này dự đoán sẽ tăng lên rất nhiều vào thời điểm phát sóng các chương trình Tết.
Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 10 website, 7 ứng dụng OTT và hàng trăm trang Facebook, YouTube đang vi phạm bản quyền các chương trình của VTV. Trung bình, mỗi tháng VTV đã ngăn chặn và xử lý gần 500 trang Fanpage cá nhân và kênh YouTube này.
Năm 2017, một trong những tồn tại lớn của ngành truyền hình đó là hầu hết các đài truyền hình lớn phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền trên Internet. Vấn đề này gây thiệt hại rất lớn cho các đài truyền hình cả về vật chất, uy tín và thương hiệu.