Vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cho biết lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh này đã phát hiện quả tang hai cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng chất cấm là bột thạch cao để chế biến đậu phụ.
Hai cơ sở này gồm hộ gia đình của bà Trần Thị V. (ngụ thôn Tây Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và hộ gia đình ông Lê Bá Q. cùng thôn.
Đáng nói, qua kiểm tra 2 cơ sở, lực lượng chức năng đều phát hiện, thu giữ số lượng bột thạch cao không rõ nguồn gốc xuất xứ, được dùng trái phép trong sản xuất thực phẩm. Được biết, mỗi ngày các cơ sở này sản xuất và phân phối hàng trăm kg đậu phụ thạch cao này.
Lực lượng chức năng phát hiện đậu phụ sản xuất từ thạch cao. |
Ngoài vụ việc trên, trước đó, lực lượng chức năng cũng đã từng phát hiện và bắt quả tang rất nhiều trường hợp làm giả thực phẩm hoặc sử dụng những chất phụ gia nguy hại khác như hàn the... trong sản xuất, chế biến thực phẩm, tiêu biểu là những trường hợp dùng sắn dây làm ruốc, cao su làm mực, thậm chí là làm cả gạo hay trứng giả....
Trước những hoạt động làm giả tinh vi, người dân khó có thể nhận biết nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Do đó, rất nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân của những chiêu “lừa lọc” nguy hiểm như vậy. Để đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng đang nỗ lực phòng chống, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp này.
Liên quan đến các trường hợp này, luật gia Nguyễn Thị Hương đã đưa ra quan điểm về việc nguy hại trong việc sử dụng thạch cao trong chế biến thực phẩm đối với sức khỏe con người.
Thạch cao có tên khoa học là Canxi cacbonat (CaCo3). Đây được coi là một chất phụ gia thực phẩm được bộ Y tế cho phép sử dụng vào mục đích làm nhũ hóa, kết dính thực phẩm.
Theo đó, thạch cao có thể sử dụng trong chế biến thực phẩm, có độ tinh khiết cao và dùng với liều lượng cho phép để bổ sung canxi.
Cụ thể, khi sử dụng chất này, người sử dụng phải tuân thủ quy định của bộ Y tế như thạch cao cần bảo đảm độ tinh khiết trên 97%, được công bố tiêu chuẩn; phải đăng ký với cơ quan chức năng, cụ thể là ngành y tế địa phương, để được kiểm tra giám sát về hàm lượng và chất lượng thạch cao.
Tuy nhiên, việc không đăng ký và không qua kiểm soát của các cơ sở này diễn ra phổ biến. Để tăng lợi nhuận, nhiều cơ sở chế biến đậu phụ thường pha thêm thạch cao để váng đậu được nổi nhanh hơn, cứng và nặng. Nhưng việc sử dụng thạch cao làm đậu phụ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người tiêu dùng, nếu sử dụng lâu dài sẽ đầu độc cơ thể, gây nhiều bệnh nguy hiểm.
Số thạch cao bị phát hiện tại cơ sở sản xuất đậu phụ. |
Về trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ xác định lỗi vi phạm xem chất thạch cao trong các cơ sở sản xuất nêu trên thuộc vi phạm các quy định nào trong Điều 6 Nghị định 178/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm để có mức xử phạt cụ thể.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, số thạch cao sử dụng trên không có nguồn gốc rõ ràng nên theo khoản 5, Điều 6, Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, các hộ dân có thể bị đình chỉ sản xuất từ 2 đến 3 tháng, buộc tiêu hủy tang vật.
Về trách nhiệm hình sự, nếu có đủ căn cứ thì người sản xuất, chế biến có thể phải chịu trách nhiệm theo Điều Điều 244, Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo đó, người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1-15 năm.
Đáng nói trong trường hợp này là trong suốt thời gian chưa bị phát hiện, các hộ dân đã sản xuất và tiêu thụ đậu phụ với số lượng khá lớn trên địa bàn, nhiều người đã sử dụng mà không biết được thành phần chế biến có chứa thạch cao, không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Do đó, hậu quả để lại do tiêu thụ sản phẩm này ảnh hưởng trên diện rộng và khó xác định được. Vì thế, căn cứ để xác định hậu quả để xác định trách nhiệm hình sự là rất khó.
Ngoài ra, có thể nhận thấy rằng, việc kiểm soát các hoạt động chế biến thực phẩm hiện nay còn nhiều lỗ hổng lớn, nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn vệ sinh. Do đó, để giảm thiểu vấn đề này vẫn là việc nâng cao phổ biến, giáo dục, ý thức người dân trong việc đảm bảo chế biến thực phẩm sạch, nói không với hóa chất; đồng thời, tăng cường công tác quản lý ở các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.