Hình ảnh ghi lại ông Lưu Xuân Thủy cầm súng doạ và đánh bảo vệ. |
Theo đó, cấm lưu thông ác loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng: - Súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác. Súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ.
Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá. Giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...). Với những loại súng mới có hoặc mới nhập về thuộc hàng “cao cấp” có giá bán lên tới vài triệu đồng/sản phẩm.
Theo các chuyên gia tâm lý, thường xuyên tiếp xúc với những đồ chơi bạo lực này sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành tâm lý, dễ dẫn đến các hành vi mang tính bạo lực, côn đồ rất khó kiểm soát. Mặt khác, những loại đồ chơi này thường làm từ nhựa tái chế rất độc hại.
Theo quy định tại điểm d, khoản 4 và điểm a, khoản 8, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Ngoài ra còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi này.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người kinh doanh, tàng trữ các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Quy định xử phạt nêu trên là phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm xét trong tương quan với những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Mặc dù cơ quan công an đã cho biết, khẩu súng của ông Thủy dùng để đe dọa bảo vệ chỉ là súng đồ chơi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận cho rằng, thời điểm Phó Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả dùng súng đe dọa bảo vệ không ai biết đó là súng giả. Giả sử, khi đó ông Thủy cầm súng và có những lời lẽ đe dọa tính mạng người bảo vệ thì có phạm vào tội đe dọa giết người hay không?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình phân tích: Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lý lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa…
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra sự lo sợ cho người khác, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, căn cứ để khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 143 - BLHS2015: Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.
Do vậy, trước câu hỏi của độc giả về việc ông Thủy có bị truy tố tội đe dọa giết người hay không, phải có đơn tố giác tội phạm, công an điều tra xem xét các yếu tố như: nguyên nhân; điều kiện; hành vi và hậu quả của sự việc, lúc đó mới quyết định hành vi của ông Thủy có phải đe dọa giết người hay không.
Giả thiết, nếu bảo vệ không rút đơn, và yêu cầu công an xử lý nghiêm hành vi dùng súng giả đe doạ và đánh mình như vậy thì ông này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi dùng súng đe dọa, uy hiếp tinh thần làm cho nạn nhân mất ý chí, lo sợ và nhân đó dùng tay chân, súng giả tấn công nạn nhân.
Còn trong vụ việc này, dù cơ quan chức năng chỉ biết đến kể từ khi bảo vệ có đơn tố giác tội phạm. Tuy nhiên trong quá trình xử lý, người cầm súng giả đã nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình và đã xin lỗi. Ngay sau đó, người tố giác đã rút đơn tố giác tội phạm, nên cơ quan phường 7 (quận Phú Nhuận) xử phạt vi phạm hành chính sau khi điều tra, làm rõ là súng giả hay thật là thỏa đáng.
Trên website Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, ông Lưu Xuân Thuỷ là Phó Chủ tịch HĐQT, còn trên webiste Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, ông Thủy có chức vụ là Chủ tịch HĐQT.
Như Kiến Thức đã thông tin, ngày 15/6, Công an phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM vừa tiếp nhận đơn trình báo vụ việc từ Ban Quản lý cao ốc PNTechcons về sự việc người đàn ông nghi dùng súng đe dọa, đánh đập bảo vệ của cao ốc này.
Theo Ban Quản lý cao ốc PNTechcons, khoảng 0 giờ 30 ngày 11/6, tại sảnh lô C, cao ốc PNTechcons có xảy ra vụ việc xô xát giữa ông Lưu Xuân Thủy (chủ sở hữu căn hộ tại đây) với anh Khổng Chí Hùng (là nhân viên bảo vệ) tuần tra ở cao ốc.
Theo đó, thời điểm trên, ông Thủy đi về đến sảnh lô C trong tình trạng say rượu không kiểm soát được hành vi. Sau đó, ông Thủy cho rằng anh Hùng đã không bấm thang máy khi thấy mình về nên lớn tiếng chửi bới.
Sau đó, ông Thủy về nhà, lấy vật giống súng, quay lại sảnh. Ông Thủy dí vật giống súng vào người bảo vệ Hùng đe dọa, túm tóc và đánh anh Hùng trước mặt của mọi người. Khi mọi người tới can ngăn thì sự việc mới dừng lại. Toàn bộ sự việc được camera an ninh của chung cư ghi lại.