Thực tế cho thấy, việc dùng chung đơn thuốc để chữa bệnh xảy ra rất phổ biến ở Việt Nam. Chỉ cần thấy mình đang có một triệu chứng bệnh nào đó giống với người bên cạnh, không ít người đã sẵn sàng mượn đơn đó để tự kê thuốc uống. Việc này thậm chí được áp dụng với cả những bệnh nhân nhi. Đó chính là lý do trong suốt gần 40 năm làm ngành y, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp nguy kịch vì lý do đó.
Dùng chung đơn thuốc rất dễ gặp "tử thần". |
Vị bác sĩ này lý giải: Nếu chỉ đơn thuần dựa vào biểu hiện bên ngoài để chữa bệnh thì đâu cần đến những thiết bị y học chuẩn đoán hiện đại. Rõ ràng, 1 bệnh có thể có 10 biểu hiện và 10 bệnh có thể có chung 1 biểu hiện nên không thể lấy nó làm yếu tố chuẩn trong điều trị.
Hơn nữa, khi cùng mắc một loại bệnh, tùy theo giới tính, tuổi tác mà bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Thế nên, trách nhiệm chuẩn bệnh trước hết phải thuộc về thầy thuốc - những người có chuyên môn”.
Theo ông, một đơn thuốc luôn có nghĩa dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như trước kia nhưng bây giờ có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn mà thuốc dùng theo đơn thuốc cũ không còn hiệu quả. Bệnh của người này có vẻ giống người kia nhưng cách và thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm rất nguy hiểm.
Theo đó, người bác sĩ có vai trò khám và tập hợp các triệu chứng, bao gồm triệu chứng do bệnh nhân và người nhà kể lại - triệu chứng chủ quan và triệu chứng khách quan là những dấu hiệu chỉ người thầy thuốc nhìn thấy.
Tại sao vẫn có người khỏi bệnh?
Thực tế, khi dùng chung đơn thuốc chữa bệnh có thể tự khỏi nhưng chỉ là may rủi. May thì khỏi còn nếu rủi thì vô cùng nguy hại.
Việc tự dùng chung đơn thuốc sẽ nguy hiểm đặc biệt khi làm che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp). Thí dụ, khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau như bệnh vẫn còn (như viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung…), người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời và có thể xảy ra hậu quả rất đáng tiếc.
Do đó, PGS Dũng nhấn mạnh: Tuyệt đối không bao giờ lấy thông tin trên internet để chẩn đoán bệnh, mua thuốc trên mạng, đến nhà thuốc hỏi mua về tự uống hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Khi bị rối loạn và nghĩ là mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị.
Đối với đơn thuốc cũ của người khác, hoàn toàn không dùng để tự chữa trị cho mình. Kể cả với đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh trở lại cũng không nên tự ý dùng trở lại mà tốt nhất nên đi tái khám ở bác sĩ đã chữa bệnh trước đây. Vì chỉ có bác sĩ mới có đủ thẩm quyền cho dùng đơn thuốc cũ hoặc phải thay bằng đơn thuốc mới.