Cuộc điện thoại trong đêm
Trong bộ đồng phục xanh của lái tàu, ông Hoàng Ngọc Sơn (SN 1966) bắt đầu một ngày làm việc. Ông Sơn kể, hàng ngày ngoài công việc lái tàu, họ còn phải sửa chữa, bảo dưỡng máy móc.
Cầm chiếc khăn cũ lau những vết dầu loang trên mặt của chiếc đồng hồ đo Km/h, ông Sơn cho hay, trên mỗi chuyến tàu, người lái tàu phải biết xử lý tình huống linh hoạt để giúp hành khách về đích an toàn.
Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn. Ảnh: Hạnh Thúy |
Ông Sơn chia sẻ, trong 34 năm lái tàu, ông từng chứng kiến có rất nhiều "ca khó" trên tàu nhưng theo ông, khó khăn nhất vẫn là cảm giác bất lực trước những tai nạn không thể tránh.
Ông Sơn cho biết, với tốc độ bình quân 70-80km/giờ, khi ông và đồng nghiệp nhìn thấy một chướng ngại vật ở phía trước bằng mắt thường thì rất khó để xử lý.
Ông Sơn lý giải, khi bắt đầu hãm phanh thì phải 800m tiếp theo, tàu mới có thể dừng lại hẳn trong khi mắt thường chỉ có thể nhìn rõ từ 1km trở lại.
Người lái tàu sinh năm 1966 chia sẻ, trong quá trình lái tàu, ngoài những lúc bị ám ảnh vì những vụ tai nạn nghiệm trọng đó, ông cũng có những lần "thót tim" vì chứng kiến các ca thoát chết hi hữu trong gang tấc. Chia sẻ về điều này, ông Sơn hồ hởi kể về lần cứu sống một đứa trẻ ngủ quên trên đường ray.
“Đó là một vụ việc xảy ra vào một buổi chiều mùa hè cách đây 3 năm khi tôi đang di chuyển con tàu băng qua một cánh đồng gần địa phận ga Thanh Hóa.
Bất chợt từ phía xa, tôi nhìn thấy môt đứa trẻ 8 tuổi, mặc chiếc áo kẻ sọc đang ngủ trên đường ray. Lúc này tôi chỉ còn cách nhắm mắt, đạp phanh thật mạnh và trông chờ vào điều may mắn.
Khi tàu vừa dừng hẳn, tôi lập tức báo cáo với trưởng tàu. Sau đó, tôi cũng yêu cầu tổ tàu xuống đường ray tìm cậu bé”, ông Sơn kể.
Chiều hôm đó, cả tổ tàu hoảng hốt theo từng bánh tàu để tìm cậu bé. Tuy nhiên cuộc tìm kiếm diễn ra khá lâu vẫn không có kết quả. Lúc này, người trưởng tàu cho rằng ông Sơn mệt mỏi nên hoa mắt nhìn nhầm. Ông yêu cầu lái tàu viết tường trình và chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình.
Khi ông đang trình bày với trưởng tàu thì bất ngờ dưới đầu tàu, cậu bé với khuôn mặt không một vết trầy xước bò ra. Ông Sơn thấy vậy thì mừng rỡ, lao vào ôm cậu bé mà rơi nước mắt.
Bố mẹ cậu bé đang gặt lúa dưới ruộng nghe tin đoàn tàu gặp tai nạn thì lao tới. Họ thấy con mình đang được mọi người hỏi han thì rất hoảng loạn. Nhanh như cắt, họ bế cậu bé rời đi.
Đêm hôm đó, đoàn tàu tiếp tục cuộc hành trình về tới ga Vinh, Nghệ An. Khi người lái tàu vừa bước vào căn phòng được bố trí để nghỉ ngơi cũng là lúc ông nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ từ số máy lạ.
“Vì vụ va chạm lúc chiều, tôi vẫn còn hoảng hốt. Vì vậy trong đêm khuya, thấy có số máy lạ gọi cho mình, tôi rất hoang mang. Sau ít phút suy nghĩ, tôi quyết định nhấc máy.
Khi tôi vừa cất lời, đầu dây bên kia là một người đàn ông tiếp chuyện. Ông ta nói mình là bố của đứa trẻ bị tai nạn chiều nay. Ông không ngờ, chỉ vì phút lơ đễnh của hai vợ chồng mà đứa con nằm ngủ quên trên đường ray suýt bị tàu cán chết. Vừa khóc, ông ấy vừa nói lời cảm ơn tôi.
Sau khi bế con rời đi, ông rất hối hận vì mải lo cho con mà chưa xin lỗi lái tàu. Vì vậy ông đã gọi điện thoại lên cơ quan để xin số điện thoại của tôi. Ông hẹn một ngày nào đó ghé thăm để cảm ơn nhưng tôi từ chối”, ông Sơn nói.
Thoát chết kỳ diệu
Một buổi trưa tháng 6/2009, ông Sơn tiếp tục gặp sự cố khác. Đó là lần ông lái đoàn tàu đi qua địa phận ga Phố Tráng, tỉnh Bắc Giang. Khi đoàn tàu vừa đi qua một cánh đồng, ông nhìn thấy từ phía xa có một vật thể lạ đang ở trên đường ray.
Đoàn tàu tiến lại gần 100m, ông Sơn phát hiện ra đó là một đứa bé khoảng 10 tuổi nằm ngủ. Thấy tình hình như vậy, người lái tàu và và phụ lái hò hét, rung chuông cảnh báo nhưng em bé vẫn không tỉnh dậy.
Cuối cùng, ông đành bất lực kéo phanh khẩn cấp cho đoàn tàu dừng lại. Tuy nhiên khoảng cách quá gần nên đoàn tàu đã chạy qua người đứa bé. Thấy đoàn tàu dừng bánh, những hành khách bắt đầu nhốn nháo.
“Tôi cảm giác đầu máy đã lao thẳng vào người thằng bé. Tàu dừng, tôi vội nhảy xuống tìm người. Giây phút đó, tôi nghĩ bé không thể thoát nạn nhưng khi tôi nhoài người xuống gầm tàu thì bắt gặp một ánh mắt ngây thơ đang ngước lên nhìn mình. Tôi vội kéo thằng bé ra ngoài, thấy nó an toàn, thân thể không bị ảnh hưởng gì, tôi vui mừng khôn xiết.
Do giữa đầu máy và đường ray có 1 khoảng trống lớn, khi tàu lao đến, thằng bé nằm lọt thỏm vào khoảng trống đó nên may mắn thoát chết”, lái tàu Hoàng Ngọc Sơn nhớ lại.
Hơn 34 năm trong nghề lái tàu, ông Sơn cho biết vì chứng kiến nhiều vụ tai nạn trên đường tàu nên cánh lái tàu như ông nhắc nhau phải cố gắng nhớ từng con đường, khúc cua.
Ông nói, cứ đi nhiều thành quen và trở nên thân thuộc. Đời lái tàu như ông tuy vất vả nhưng có nhiều trải nghiệm, niềm vui.
"Sống nửa đời người, cứ đi miết thành quen, đến bây giờ, tôi vẫn chưa có người bạn đời bên cạnh. Dẫu nhiều người bảo tôi rằng cần có người nâng khăn sửa túi cho mình nhưng tôi chỉ cười. Bởi tôi biết, cánh lái tàu đi biền biệt, chẳng biết có ai thông cảm, sẻ chia", lái tàu Hoàng Ngọc Sơn nói.