Nhiều lợi thế phát triển các loại hình du lịch
Bảo Lộc là thành phố thứ 2 nằm phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, hiện nay là đầu mối giao thông quan trọng của Lâm Đồng nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Trung Bộ; cách TP Đà Lạt khoảng 110km, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 190km, cách TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 100km.
Bảo Lộc phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp, với thế mạnh về công nghiệp chế biến nông sản, dệt may, tơ tằm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản….
Trung tâm TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phi Long |
Ngoài ra, Bảo Lộc còn là điểm đến đầu tiên khách du lịch có thể cảm nhận rõ rệt sự thay đổi khí hậu từ nóng nực sang mát mẻ khi đến với Lâm Đồng.
Mang sẵn trong mình những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa tiêu biểu, TP Bảo Lộc được xác định là điểm du lịch phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Đông Nam và là 1 trong 3 cụm du lịch chính của tỉnh Lâm Đồng, trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch của khu vực, điểm du lịch trung chuyển có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch tỉnh nhà.
Đến với TP Bảo Lộc, du khách được thỏa thích ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vùng cao nguyên, với nhiều thác, hồ, suối đẹp như: Thác ĐamB'ri, thác bảy tầng, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, cảnh quan nông nghiệp với những đồi trà xanh bát ngát.
Bát ngát các vườn trà tại Bảo Lộc. |
Cùng với điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành, Bảo Lộc đã tạo ra nhiều loại sản vật có giá trị như trà, cà phê, mật ong, sầu riêng, bơ, măng cụt....
Nếu như Đà Lạt nổi tiếng với rau và hoa, thì Bảo Lộc được biết đến là vùng trà và sản xuất lụa tơ tằm lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là “thành phố Tơ - Trà” hay “thủ đô lụa tơ tằm Việt Nam”, điều này có thể giúp Bảo Lộc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch ngành, nghề.
Nơi đây còn có giá trị lịch sử văn hóa độc đáo là vùng đất xưa của người Mạ gắn liền với huyền thoại B’Lao, là nơi sinh sống của 23 dân tộc thiểu số, tạo sự đa dạng về bản sắc văn hóa.
Mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa mang những đặc trưng độc đáo riêng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những nét hấp dẫn khách du lịch như: các phong tục tập quán; lễ hội truyền thống; kho tàng văn hóa dân gian, nghệ thuật biểu diễn, nghề thủ công truyền thống, sản vật và văn hóa ẩm thực.
Du khách tham quan khu du lịch thác Đam B'ri ở Bảo Lộc. Ảnh: Khu du lịch |
Bảo Lộc còn là vùng đất gắn với Trịnh Công Sơn - một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng sâu rộng nhất của Việt Nam. Trịnh Công Sơn từng dạy học tại Bảo Lộc (từ năm 1964 - 1967) trước khi lên Đà Lạt, đây là giai đoạn quan trọng để hình thành nên nhân sinh quan của một nhạc sỹ. Tại đây, cố nhạc sĩ đã cho ra đời rất nhiều bản tình ca và có những xúc cảm trở thành tiền đề cho những sáng tác sau này.
Đặc biệt, trong dịp chào mừng 30 năm xây dựng và phát triển đô thị Bảo Lộc (1994 - 2024), thành phố này sẽ đặt tên đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong dịp này, Bảo Lộc còn có nhiều hoạt động, chương trình quảng bá hình ảnh đến với người dân và du khách.
Bảo Lộc chỉ là điểm dừng chân, không phải điểm đến
Mặc dù có những tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào có được nhưng ngành du lịch của Bảo Lộc còn có những hạn chế, chưa thể bứt phá mạnh để thu hút được đông đảo du khách thập phương đến với thành phố này tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo thống kê, trong năm 2023, lượt khách đăng ký lưu trú trên địa bàn Bảo Lộc ước đạt 145.000 lượt, trong đó khoảng 143.000 lượt khách trong nước và 1.800 lượt khách quốc tế. Con số này còn rất khiêm tốn so với con số 8,6 triệu lượt khách đến với Lâm Đồng trong năm 2023.
Thời gian qua, Bảo Lộc cũng đang phát triển du lịch canh nông để thu hút du khách (Ảnh: Đông Anh). |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, địa phương cũng chỉ đón được hơn 54.000 lượt khách (toàn tỉnh hơn 5 triệu lượt). Số lượng khách ở trên cho thấy cho thấy sự mờ nhạt của địa phương trong bản đồ du lịch chung của toàn tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Văn Ngọc - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Bảo Lộc cho biết, về mặt hạn chế phát triển du lịch ở địa phương do công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch nói chung và quy hoạch về du lịch nói riêng chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch chưa mạnh, nhiều cảnh quan thiên nhiên như hồ, sông, suối, thác và các giá trị văn hóa chưa được đầu tư, khai thác một cách chính thức và có hệ thống.
Bên cạnh đó, các mô hình du lịch chủ yếu nhỏ lẻ, chưa có các dự án du lịch quy mô được đầu tư trên địa bàn, việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, kết nối tour - tuyến chưa đạt hiệu quả do thiếu các sản phẩm mới, lạ, hấp dẫn; lượng khách lưu trú tuy có tăng nhưng thời gian lưu trú chưa dài.
Du khách chụp ảnh tại Tu viện Bát Nhã Bảo Lộc khi hoa phượng vàng nở rộ (Ảnh: Phi Long). |
Theo ông Ngọc, nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế; nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho cơ sở hạ tầng chưa nhiều.
Trong khi đó việc mời gọi, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho du lịch, phát huy, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia phát triển các sản phẩm du lịch chưa đạt được nhiều kết quả; tâm lý của du khách xác định Bảo Lộc chỉ là điểm dừng chân chứ chưa phải là điểm đến giống như TP Đà Lạt.
Tạo đòn bẩy cho du lịch Bảo Lộc bứt phá
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế chiến lược để thúc đấy kinh tế- xã hội địa phương, trong thời gian qua, ngành chức năng TP Bảo Lộc đã có những định hướng cũng như triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trên địa bàn.
Cụ thể, để định hướng phát triển cho TP Bảo Lộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/11/2021, trong đó nêu rõ xây dựng và phát triển TP Bảo Lộc trở thành thành phố dịch vụ, du lịch với các loại hình đa dạng, phong phú, hiện đại.
Chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” năm 2022 giới thiệu đến đông đảo du khách. |
Phát triển Bảo Lộc là trung tâm du lịch phía Nam Lâm Đồng, là điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt và kết nối với Nha Trang, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; khai thác phân khúc thị trường khách đi Đà Lạt, TP HCM.
Bên cạnh đó, các vấn đề chi tiết để phát triển du lịch địa phương cũng đã được đề cập đến như: Xác định các sản phẩm và dịch vụ du lịch tiềm năng khi xây dựng các mô hình du lịch; Định hướng phát triển không gian du lịch; Xây dựng giải pháp phát triển sản phẩm du lịch.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Bảo Lộc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định, phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao, quy hoạch và xây dựng các khu du lịch tổng hợp, sinh thái là một trong các khâu đột phá phát triển của thành phố trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2021, thành phố đã tập trung chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Bảo Lộc - Lâm Đồng, xúc tiến du lịch, thu hút kêu gọi đầu tư như: xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí hồ Nam Phương I, II, Tổ hợp dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với diện tích hơn 10.000 m2 tại khu vực chợ cũ, Sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng với diện tích 200 ha hình thành theo tiêu chuẩn quốc tế, Khu tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái, sân golf, cáp treo núi Sa Pung với diện tích 300 ha.
Trình diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc kết hợp với thổ cẩm Tây Nguyên. |
Vào tháng 6/2023, UBND TP Bảo Lộc cũng đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng bình quân 9 - 10%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm 3% tổng lượng khách qua lưu trú. Ngày lưu trú bình quân của du khách đạt từ 2,5 ngày trở lên.
Xây dựng thí điểm và đưa vào hoạt động 2 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại TP Bảo Lộc; Tăng tỷ lệ khách du lịch có khả năng chi tiêu cao; Đa dạng hóa thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương gắn kết với các hoạt động du lịch.
Tiếp tục phát triển hệ thống cơ sơ lưu trú du lịch cao cấp như khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch đạt chuẩn từ 3 - 5 sao; Thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó có 85% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ...
Với những định hướng đúng đắn và việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trên địa bàn sẽ góp phần để TP Bảo Lộc phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh Lâm Đồng và của vùng Tây nguyên, là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.