Bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) nằm sau những rặng tre êm đềm soi mình bên dòng Nậm Thia. Những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái như ẩn, như hiện san sát nhau thật bình yên.
Đường về Nghĩa Lộ (Yên Bái) hiện rất thuận lợi, khang trang. Ảnh: Internet |
Là một trong những khách du lịch theo tour Hà Nội - Sơn La - Yên Bái - Lai Châu - Lào Cai, ông Christian Naud - người Pháp rất hài lòng khi đến du lịch tại bản Sà Rèn theo hình thức du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, qua tìm hiểu từ chương trình quảng cáo, hướng dẫn viên du lịch và một số người bạn của mình, ông được biết bản Sà Rèn hiện đang lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc.
Cả một ngày chúng tôi cùng đoàn khách du lịch của ông Christian Naud đi khám phá quanh bản Sà Rèn. Mọi thứ ở đây đều xa lạ và gây ngạc nhiên với khách du lịch từ những ngôi nhà sàn mà mỗi khi khách Tây đi đến tham quan luôn bị cộc đầu vào gầm sàn đến những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như khung dệt, cây khèn, rồi mọi người ra đồng lội ruộng cầm cuốc và người đứng trên bờ chụp ảnh quay phim tỏ vẻ rất thích thú.
Chiều về, bản Sà Rèn lại càng đẹp hơn với khung cảnh vùng cao có những làn khói từ bếp lửa đến tiếng mõ trâu làm đồng trở về, tiếng trẻ nô đùa trên suối và một mâm cơm với đầy đủ những đặc sản vùng cao làm say lòng du khách.
Những ngôi nhà sàn bình yên là hình ảnh du khách thường bắt gặp khi đến Nghĩa Lộ. |
Qua những sinh hoạt thường nhật, ông Christian Naud và đoàn trong một ngày khám phá bản Sà Rèn đều cảm thấy mình được thực sự hòa mình vào với đời sống của người bản địa và có những trải nghiệm lý thú.
Ông Christian Naud cho biết: "Ở bên Pháp chúng tôi đã được nghe rất nhiều thông tin về đất nước Việt Nam. Nhưng khi đến đây, chúng tôi còn thấy Việt Nam đẹp hơn rất nhiều so với những gì mình đã biết. Con người Việt Nam rất hoà đồng và mến khách. Khi về nước, chúng tôi sẽ giới thiệu về đất nước, hình ảnh con người Việt Nam với gia đình và bạn bè. Tôi cũng chắc chắn rằng, tất cả những người thân, bạn bè của tôi sẽ rất muốn đến Việt Nam để du lịch trải nghiệm như chúng tôi".
Bản Sà Rèn có 9 hộ gia đình đã và đang chuẩn bị làm du lịch cộng đồng. Đến hộ gia đình nào chúng tôi cũng thấy không khí khẩn trương, nhộn nhịp tu sửa lại nhà cửa, xây dựng thêm các công trình phụ trợ, sửa sang vườn cây, ao cá để có thể trở thành một hộ làm du lịch cộng đồng thu hút được khách du lịch.
Du khách đến đây thường được thết đãi các món ăn đặc sản như xôi nếp Tú Lệ, bánh chưng đen Mường Lò, muồm muỗm rang, trứng kiến... Ảnh minh họa. |
Gia đình anh Lò Văn Quyền nằm ở cuối bản là 1 trong 9 hộ đã, đang chuẩn bị làm du lịch cộng đồng. Anh cho biết, gia đình anh có 4 khẩu với 2.000 m2 ruộng. Ngoài trồng lúa, anh còn làm thêm nghề xây dựng và mỗi năm thu nhập thêm khoảng 30 triệu đồng nên cuộc sống không quá khó khăn. Tuy nhiên, anh muốn làm sao cho thu nhập được cải thiện hơn nữa để chăm lo cho 2 con anh đi học và tạo việc làm thêm cho vợ những khi nông nhàn.
Do được đi nhiều nơi, nhìn thấy lợi ích từ làm du lịch cộng đồng, cùng với đó là điều kiện tự nhiên của bản cũng khá phù hợp và có tiềm năng thu hút khách du lịch, nên anh đã nuôi ý định làm du lịch từ nhiều năm nay.
Để thực hiện điều đó, anh thường xuyên đầu tư tu sửa nhà ở, cảnh quan quanh ngôi nhà, xây các công trình vệ sinh để phục vụ khách. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên anh chưa biết phải triển khai như thế nào cho đúng, làm như thế nào cho phải, nhất là trong việc tìm khách, mời khách du lịch đến với gia đình mình.
Ngay khi biết tin thị xã Nghĩa Lộ chọn bản Sà Rèn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng, anh lập tức đăng ký và được tham gia vào các lớp tập huấn về du lịch, chế biến các món ăn dân tộc, đi tham quan các mô hình làm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Khi về, anh đã tổ chức sửa lại nhà cửa, xây các công trình vệ sinh, mua sắm thêm các đồ dùng, trang thiết bị, quy hoạch lại vườn tược, cây cảnh quanh nhà để chuẩn bị đón khách. Tổng đầu tư của anh để làm du lịch khoảng 150 triệu đồng.
Với cách phục vụ “3 cùng” (tức là khách ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng gia đình), kiểu phục vụ này rất đơn giản, nhưng trung bình mỗi tháng anh đón khoảng trên dưới trăm lượt khách trong, ngoài nước. Sau khi trừ chi phí còn thu nhập 15 - 20 triệu đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 3 - 4 lao động.
Ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: trên địa bàn xã Nghĩa Lợi từ trước đến nay đã có một số hộ làm du lịch cộng đồng và đạt được kết quả khả quan. Hiện nay, xã có thêm 13 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng và xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ tổ chức khảo sát, lập danh sách các hộ có điều kiện làm du lịch để hỗ trợ về kiến thức; đưa đi tham quan thực tế. Dự kiến, mỗi hộ làm du lịch cộng đồng sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, xã Nghĩa Lợi đang cố gắng khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhạc cụ, nét đẹp trong nghi lễ cưới hỏi, lễ hội, giao tiếp, ứng xử, kiến trúc nhà ở…
Đồng thời, nâng cao trình độ hiểu biết về cội nguồn, về truyền thống phong tục, tập quán cho nhân dân; xóa bỏ hủ tục, giữ gìn vệ sinh môi trường; nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân; huy động vốn đầu tư cho du lịch... và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.