Dự án 336.630 tỷ đồng, riêng bồi thường hỗ trợ thu hồi đất hơn 23.000 tỷ đồng
Chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án sẽ được xây dựng trong 3 giai đoạn với quy mô đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh quochoi.vn |
Tờ trình nêu rõ, tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Theo kết quả điều tra khảo sát, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,65 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức. Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017).
Theo tờ trình, việc tách ngay nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tại thời điểm hiện nay, trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ giúp Dự án được triển khai đảm bảo tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, đồng thời tiết kiệm được kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực dự án.
“Để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tách nội dungbồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án thành dự án thành phầnđể tổ chức thực hiện độc lập trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua. Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai áp dụng các giải phápđể đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết.
15.000 nhân khẩu lo lắng về cuộc sống an cư
Theo tờ trình của Chính phủ, có đến hơn 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng do thu hồi đất thực hiện dự án, trong khi đó quy hoạch đã được công bố hơn 10 năm nay khiến người trong diện bị ảnh hưởng phải mòn mỏi đợi chờ.
Thảo luận tại tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các đại biểu cho rằng việc tách là cần thiết, để đảm bảo dự án triển khai.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc tách nội dung bồi thường hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần đề triển khai dự án là rất cần thiết, bởi người dân đã phải chờ đợi quá lâu rồi.
15.000 nhân khẩu lo lắng về cuộc sống an cư khi công bố quy hoạch 10 năm trước đến nay vẫn chưa triển khai dự án. |
“Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quốc gia trong tương lai. Việc thu hồi mặt bằng sẽ có nhiều khó khăn, gian nan. Kỳ họp này, thấy sự kiên quyết của Chính phủ, của Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giúp người dân Đồng Nai rất phấn khởi, đặc biệt là người dân 6 xã trong dự án. Quy hoạch đã được công bố hơn 10 năm, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người dân sống trong vùng này. Huyện có 6 xã, trong đó có 1 xã là thu hồi trắng, 2 xã là căn cứ cách mạng. Ở 6 xã này, hơn 9.000 người dân theo tôn giáo. Cảm nhận của cá nhân và đối chiếu với các dự án khác tôi thấy việc thu hồi đất, bồi thường tái định cư phải đi trước để đảm bảo cho việc thực hiện dự án được tốt hơn. Theo quy mô như dự án này, thời gian thu hồi khoảng 2, 3 năm nên để đảm bảo phải được triển khai gấp. Thời gian công bố quy hoạch đã hơn 10 năm. Người dân đã rất lo lắng về cuộc sống an cư. Hơn nữa, nếu trường hợp mà chậm, trượt giá sẽ tăng cao, ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư”, Đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh nói.
Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) nêu ý kiến: “Trước đây Quốc hội đã rất băn khoăn với dự án này. Nếu chúng ta xong dự án khả thi, lúc đó mới tính tới giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. Do vậy, xin tách nội dung giải phóng mặt bằng ra thực hiện trước. Về mức 5.000 tỷ đồng có đủ đền bù không cũng là vấn đề đặt ra. Như dự án tái định cư thủy điện Lai Châu, hiện người dân rất khó khăn vì chỉ có cái nhà đẹp nhưng không có việc làm. Do vậy, tôi rất lo về công ăn việc làm cho bà con khi giải phóng mặt bằng. Do vậy, Đồng Nai phải biến khu vực này thành lợi thế cho mình”.