Số phận những tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam
Đó là một ẩn số lớn đối với chính phủ Mỹ, ngoài những phi công may mắn lọt vào ống kính máy ảnh của các phóng viên Việt Nam sau khi họ bị bắt làm tù binh và những bức ảnh đó được công bố trước truyền thông quốc tế, người nhà của những viên phi công đó ít nhất cũng biết con em họ còn lành lặn và an toàn. Tuy nhiên phần lớn danh tính, cấp bậc và tình trạng của các phi công bị ta bắt được ở miền bắc vẫn là một bí ẩn làm đau đầu giới chức tình báo Mỹ.
Trước sức ép của dư luận, nhất là từ các gia đình có phi công bị bắn hạ trên chiến trường Việt Nam. Cần phải nói thêm, các phi công Mỹ phần lớn đều có xuất thân cực kỳ “quý tộc”, họ có cha, mẹ là những nhân vật nổi tiếng, những doanh nhân, những chính trị gia lỗi lạc có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn trong xã hội và chính những bậc “phụ huynh” này trong cơn tuyệt vọng cũng đã gây sức ép rất lớn cho giới chức quốc phòng tình bào Mỹ trong việc xác định danh tính, tình trạng và số phận của con em họ.
Ngoài việc xác định được số lượng tù binh bị giam ở miền Bắc Việt Nam, thì người Mỹ còn muốn xác định được vị trí nơi các phi công này bị giam nhằm tránh ảnh hưởng đến các chiến dịch không kích của họ ở miền bắc. Bởi chỉ cần một sai lầm số phận của các phi công tù binh Mỹ dưới mặt đất sẽ bị chính đồng đội của mình đặt dấu chấm hết chỉ với một đợt không kích.
Cuộc đột kích Sơn Tây. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: SOG. |
Bằng chứng cho việc Mỹ rất muốn xác định được vị trí của những trại tù binh phi công Mỹ ở Bắc Việt Nam chính là việc Mỹ giao cho một loạt các cơ quan chuyên trách tìm cho ra bằng được vị trí nơi đang giam giữ phi công Mỹ, các cơ quan tham gia vào kế hoạch trên bao gồm CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ), DIA (Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ), Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, FBI (cơ quan Điều tra Liên bang), Cơ quan Mật vụ và thậm chí còn có cả… Bưu điện Liên bang Mỹ.
Do mạng lưới tình báo Pháp để lại Bắc Việt Nam sau năm 1954 đã quá lâu không thể liên lạc được và coi như đã “xịt”; còn phần lớn các toán biệt kích được Mỹ thả vào miền Bắc Việt Nam thời gian đầu những năm 1960 đều đã bị tóm cổ gọn và đang nằm trong trại giam của an ninh Việt Nam; do chính phủ ta lúc bấy giờ luôn đề cao cảnh giác trước các hoạt động do thám và gián điệp của Mỹ.
Trại giam Sơn Tây dần lộ diện
So sánh số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam, tính toán số lượng phi công Mỹ đã nhảy dù thành công và thậm chí sử dụng cả… thuật toán xác suất thông kê để tính xem liệu đang có bao nhiêu phi công Mỹ bị bắt làm tù binh tại miền Bắc Việt Nam, Mỹ cho rằng cần phải có ít nhất hai trại giam mới có đủ khả năng chứa hết được lượng tù binh phi công Mỹ đã bị bắn “rụng như sung” suốt từ năm 1964 tới năm 1969.
Những con cáo lão làng trong ngành tình báo quân đội của Mỹ đã đi đến kết luận sau khi so sánh, đối chiếu và soi hàng triệu bức không ảnh để khẳng định rằng các phi công của mình đang bị nhốt ở Sơn Tây.
Khi đưa một khu nhà ở Sơn Tây vào tầm ngắm, hàng loạt các chuyên gia phân tích cấp cao trong ngành tình báo của Mỹ đã được huy động để xem xét các dấu hiệu bất thường mà không ảnh ghi lại được, tất cả đều kết luận giống nhau: Các dấu hiệu của một trại tù binh phi công là rất rõ ràng, những con cáo già này không mấy khó khăn khi nhận ra được các ký hiệu kêu cứu rất rõ ràng do phi công Mỹ tạo ra. Các kiểu phơi quần áo, cách đổ đất đá với kiểu tạo hình trông có vẻ ngẫu nhiên nhưng đều chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị.
Các chuyên gia tình báo quân sự Mỹ đã gần như chắc chắn về việc đang có tù binh bị giam giữ ở đây, họ còn nhận được một vài thông điệp về tên tuổi, số hiệu và cấp bậc của một vài tù binh “lão làng” có thâm niên trong trại. Chắp nối lại, các chuyên gia Mỹ đã có một sơ đồ thực sự để nhận biết và có kế hoạch giải thoát cho tù binh của mình.
Để chắc chắn hơn, Mỹ còn sử dụng nhiều biện pháp tình báo khác nhau để xác minh độ chính xác của trại giam Sơn Tây bằng cách tìm hiểu thông tin từ các đoàn khách quốc tế được phép vào Việt Nam, qua thư từ mà một số phi công Mỹ vẫn được phép gửi về nước (dùng ám hiệu để giao tiếp với nhau) và thậm chí còn tận dụng cả trí nhớ mơ hồ của lính quân đội Sài Gòn đã từng sống tại Sơn Tây trước khi đào thoát vào nam. Tất cả chỉ để vẽ ra một sơ đồ mơ hồ về vùng Sơn Tây.
Nói tóm lại, trong tay Mỹ đã có đầy đủ các bằng chứng về việc tù binh Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây, việc còn lại chỉ tìm cách tiếp cận và giải cứu các phi công. Tuy nhiên, việc đưa biệt kích Mỹ tấn công ra Bắc Việt Nam cần có sự phê chuẩn từ tổng chỉ huy cấp cao nhất của Quân đội Mỹ khi đó -Tổng thống Mỹ Nixon.
Lính biệt kích Mỹ hoạt động ở Lào và Campuchia. Nguồn ảnh: SOG. |
Để đảm bảo sẽ thuyết phục được không chỉ Lầu Năm Góc mà là cả Nhà Trắng đồng ý cho chiến dịch, giới tình báo Mỹ đã phải chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cho một cuộc đột kích táo bạo có một không hai tất cả là để nhận được cái gật đầu của Lầu Năm Góc và đảm bảo rằng phía Việt Nam sẽ không có thêm bất kỳ một tù binh Mỹ nào nữa nếu chiến dịch thất bại.