Auroralumina attenboroughii có thể trông như thế này cách đây 560 triệu năm. (Nguồn: BBC) |
Hóa thạch của một sinh vật 560 triệu năm tuổi mà các nhà nghiên cứu tin là của loài động vật ăn thịt đầu tiên đã được đặt tên Auroralumina attenboroughii theo tên của nhà tự nhiên học kiêm phát thanh viên David Attenborough.
Hóa thạch của loài này được tìm thấy ở rừng Charnwood gần thành phố Leicester, miền Trung nước Anh, nơi nhà tự nhiên học Attenborough từng tới để thực hiện công cuộc tìm kiếm hóa thạch.
Các nhà khoa học cho biết họ tin rằng Auroralumina attenboroughii là sinh vật sớm nhất có bộ xương, đồng thời có liên quan tới nhóm bao gồm san hô, sứa và hải quỳ.
Theo nhà cổ sinh vật học Phil Wilby tại Cơ quan Khảo sát địa chất Anh, giới khoa học thường cho rằng các nhóm động vật hiện đại như sứa đã xuất hiện cách đây 540 triệu năm trong thời kỳ bùng nổ kỷ Cambri. Tuy nhiên, loài động vật ăn thịt Auroralumina attenboroughii đã có từ trước đó 20 triệu năm.
Nhà cổ sinh vật học Wilby nhấn mạnh hóa thạch là một trong số rất nhiều điều có thể nắm giữ chìa khóa về "thời điểm sự sống phức tạp bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất."
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Frankie Dunn tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đại học Oxford, cho biết mẫu vật này rất khác so với các hóa thạch từng được tìm thấy ở rừng Charnwood và trên khắp thế giới.
Không giống như hầu hết các hóa thạch từ kỷ Cambri, hóa thạch này có một bộ xương, với các xúc tu dày đặc có thể di chuyển linh hoạt trong nước để bắt thức ăn đi qua, giống như san hô và hải quỳ ngày nay.
Thời kỳ bùng nổ kỷ Cambri, diễn ra từ khoảng 541 triệu đến 530 triệu năm trước, là một giai đoạn bùng nổ tiến hóa chứng kiến sự xuất hiện của một số lượng lớn các loài động vật. Nhiều sinh vật đã tiến hóa các bộ phận cơ thể cứng như vỏ canxi carbonat trong thời gian này.