Minh họa/INT. |
Sự đồng lòng ủng hộ của Mỹ và phương Tây cho lực lượng Ukraine đang bắt đầu chứng kiến những thách thức, khi mối rạn nứt bắt đầu lộ rõ xung quanh việc viện trợ cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Cho tới cuộc gặp mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington hôm 21/9 vừa qua, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục khẳng định duy trì sự ủng hộ đối với Kiev. Một số nước ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức cũng có tuyên bố tương tự do vẫn còn đủ khả năng cung cấp về vũ khí, đạn dược cũng như ý chí chính trị của lãnh đạo những nước này.
Tuy nhiên, trong tuần qua đã bắt đầu nổi lên những mối lo lắng của đồng minh Ukraine ở cả hai bờ Đại Tây Dương, khác với sự thống nhất gần như tuyệt đối trong liên minh đứng sau Kiev ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột 18 tháng trước. Trong đó, giới chính trị gia Đảng Cộng hòa tại Mỹ đang ngày càng phản đối khoản viện trợ chưa có hồi kết của Washington dành cho Ukraine.
Sự xuất hiện của ông Zelensky tại Mỹ tuần qua cũng được đánh giá là nhận được ít sự chào đón hơn so với lần ông đến đây hồi năm ngoái. Một cuộc thăm dò của CNN hồi tháng 8 vừa qua cho thấy, đa số người Mỹ, chiếm 55%, cho rằng không nên tài trợ thêm cho Ukraine. Sự phân cực cũng xuất hiện trong Quốc hội Mỹ khi 71% đảng viên Cộng hòa phản đối gói tài trợ mới cho Ukraine, trong khi có 62% đảng viên Dân chủ ủng hộ chủ trương này.
Bản thân Tổng thống Joe Biden cũng có động thái đáng chú ý khi ông chỉ nhắc đến Ukraine ở cuối bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua. Tuy nhiên, gói viện trợ mới cho Kiev trị giá 24 tỷ USD mà ông đang thúc đẩy Quốc hội thông qua có thể sẽ vẫn được chấp thuận, dù thời gian đi đến quyết định này vẫn là vấn đề chưa thể chắc chắn.
Trong khi đó tại hai nước Đông Âu là Ba Lan và Slovakia cũng bắt đầu có căng thẳng với đồng minh Ukraine, do có tranh cãi thương mại với nước này. Sự căng thẳng với đồng minh quân sự quan trọng là Ba Lan lại đến từ chính cá nhân Tổng thống Ukraine Zelensky khi ông phát biểu trước Đại hồi đồng Liên Hợp Quốc ở New York tuần trước, trong đó ám chỉ chính sách nhập khẩu ngũ cốc của Ba Lan đang có lợi cho Nga.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lập tức chỉ trích Ukraine một cách gay gắt rằng đã xúc phạm người Ba Lan và tuyên bố sẽ không chuyển giao thêm bất cứ loại vũ khí nào cho Kiev. Một quốc gia khác vốn không phải là đồng minh thân thiết với Ukraine là Hungary nhưng lại là thành viên NATO và EU cũng đang dành những lời lẽ gay gắt nhất cho Kiev.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 26/9 tuyên bố Budapest sẽ không ủng hộ Ukraine trong bất kỳ vấn đề nào cho đến khi Kiev giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền của người dân tộc Hungary tại nước này. Hai nước đã bất đồng về quyền của dân tộc thiểu số kể từ năm 2017 khi Quốc hội Ukraine đã thông qua luật quy chế đặc biệt về ngôn ngữ Ukraine, ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng dân tộc thiểu số Hungary ở phía Tây Nam Ukraine.
“Tối hậu thư” nói trên của Hungary tiếp tục ngăn cản nỗ lực của Ukraine trong việc gia nhập NATO và EU. Đặc biệt, thách thức này lại đến vào thời điểm Ukraine đang gặp bất lợi cả trên mặt trận ngoại giao lẫn chiến trường của cuộc phản công lực lượng Nga. Trong khi đó, mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần càng làm cuộc xung đột thêm dai dẳng và được dự báo sẽ “lành ít dữ nhiều” cho lực lượng Ukraine.