Trận động đất lớn nhất trong 34 năm qua với cường độ 5.6 độ richter vừa xảy ra ở Montana, nước Mỹ vào sáng 6.7.
Tâm chấn của trận động đất chỉ cách Vườn Quốc gia Yellowstone khoảng 386km. Vườn Quốc gia này là “nơi ở” của một siêu núi lửa đang ngủ với nguy cơ hủy diệt mọi thứ nếu thức giấc. Người dân Montana lo sợ trận động đất rung lắc có thể khiến siêu núi lửa Yellowstone tỉnh giấc.
Siêu núi lửa Yellowstone ở bang Wyoming, nước Mỹ. |
Tuy nhiên, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết ngọn núi sẽ chưa phun trào trong thời gian gần.Trận động đất lớn xảy ra chỉ vài tuần sau khi khoảng 900 trận động đất nhỏ hơn làm rung chuyển khu vực vào tháng 6.
Siêu núi lửa Yellowstone được đánh giá là 1 trong 4 "quả bom hẹn giờ" khủng khiếp nhất Trái Đất. Dù đã chìm sâu vào giấc ngủ 70.000 năm qua nhưng chỉ một tác động nhỏ như các cơn địa chấn cũng có thể là ngòi nổ cho quả bom nguy hiểm nhất thế giới phát nổ. Mặc dù nguy cơ phun trào được cho là "thấp", các chuyên gia lo ngại các cơn địa chấn gần đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vụ phun trào trong tương lai.
Theo các nhà khoa học, nếu núi lửa Yellowstone phun trào, màn khói bụi sẽ chặn ánh nắng mặt trời, có khả năng đẩy nhiệt độ xuống dưới mức thời Kỷ băng hà. Đó có thể là sự kiện tận thế, che phủ nước Mỹ trong làn khói nóng dày 3m với bán kính 1.600km. Nhiệt độ sẽ giảm do khói và tro bụi bay vào bầu khí quyển. Khoảng 90.000 người sẽ chết trong vụ phun trào đầu tiên nếu xảy ra, theo HowStuffWorks.