Ngày 31/8, lễ tổng kết và bế mạc cuộc thi Huấn luyện chó nghiệp vụ “Người bạn trung thành” đã diễn ra tại Trung tâm 470, cách thủ đô Moscow của Liên bang Nga khoảng 100km. Chung cuộc, Ban tổ chức trao giải Nhất cho 2 đội tuyển Nga và Uzbekistan, giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về Belarus và Algeria. Việt Nam đứng thứ 4/8 đội tuyển tham gia cuộc thi này.
Đội tuyển Huấn luyện chó nghiệp vụ Việt Nam tại lễ bế mạc cuộc thi “Người bạn trung thành”. Ảnh: QĐND |
Thượng tá Lê Mạnh Hưởng, Đội trưởng đội tuyển Huấn luyện chó nghiệp vụ Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Army Games 2020 cho biết, đội đã hoàn thành mục tiêu đề ra, kết quả này phản ánh đúng, chân thực về chất lượng cuộc thi, cũng như thực lực của từng đội.
Cũng theo Ban tổ chức, đội tuyển Huấn luyện chó nghiệp vụ của Việt Nam là đội duy nhất từ trước tới nay đoạt nhiều giải thưởng ngay trong lần đầu tham gia Army Games, gồm: Cúp vàng giải Ba đồng đội bài thi “Tay súng thiện xạ”; Cúp vàng Đội có nhiều nỗ lực cố gắng nhất trong thi đấu; Huy chương Bạc cặp vận động viên và chó nghiệp vụ trong bài thi “Tay súng thiện xạ” của thiếu tá Vũ Khắc Biên và chú chó Mai Loc; Trung úy Nguyễn Trọng Nghĩa được trao giải Vận động viên có nhiều cố gắng nhất cuộc thi.
Cùng với đó, thượng tá Lê Mạnh Hưởng được trao tặng Huy chương Đội trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tài. Ngoài ra, đội còn giành giải Nhất đồng đội trong thi đấu giao hữu bóng bàn. Thượng tá Hưởng cho biết, thông qua cuộc thi, đội tuyển đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyển chọn vận động viên và chó nghiệp vụ đi thi đấu.
Ngày 31/8, đội tuyển Cứu hộ cứu nạn Việt Nam cũng bước vào vòng 1 cuộc thi Đơn vị cứu hộ cứu nạn “Vùng tai nạn”. Tại Army Games 2020, cuộc thi này có 10 đội đến từ 8 quốc gia là Nga, Việt Nam, Lào, Campuchia, Belarus, Abkhazia, Congo và Mali. Trong đó, Nga có 3 đội thuộc Hạm đội Biển Bắc, Tổng cục 12 - Bộ Quốc phòng Nga và Bộ tình trạng khẩn cấp Nga.
Ở vòng thi này, các vận động viên phải vượt qua chướng ngại vật đặc biệt. Đây là một trong 3 bài thi khó nhất của cuộc thi, khi các vận động viên phải mang trang bị, vượt qua dải lửa tấn công hay vượt tường cao nên rất khó cơ động. Do tính chất của bài thi nên vận động viên vừa vận động nhanh nhưng cũng phải bảo đảm an toàn.
Cùng ngày, đội tuyển Bếp dã chiến đã tham gia nội dung “Làm bánh mỳ gối”. Đây là nội dung thi cuối cùng của giai đoạn 3 và cũng là cuối cùng của cuộc thi Chuyên gia quân lương “Bếp dã chiến”. Chung cuộc, đội tuyển Bếp dã chiến Nga đứng đầu với số điểm cao nhất, Belarus và Uzbekistan lần lượt xếp thứ 2 và 3, đội Việt Nam đứng vị trí thứ 5.