Nói đến đời sống đạo đức, chủ yếu là đạo đức Phật giáo. Tất cả các tôn giáo có quan niệm đạo đức riêng, còn đạo đức của con người thì tùy theo dân tộc, lãnh thổ, quốc gia, tập quán mà có quan niệm đạo đức khác nhau. Thí dụ đạo đức theo Nho giáo có tam cương ngũ thường, đối với phụ nữ thì có tứ đức tam tòng. Đạo đức của Nho giáo nhằm xây dựng con người trong xã hội, nhưng đạo đức theo Phật giáo xây dựng từ con người nâng lên vị trí Hiền thánh.
Đạo Nho có tam cương ngũ thường và đạo Phật có tam quy ngũ giới, nhưng cương thường đạo lý của Nho giáo giới hạn trong xã hội cổ đại Trung Hoa. Tam cương nói về đạo quân thần, phụ tử, phu thê. Đạo quân thần hay vua tôi đôi khi quá khắt khe, bảo rằng tôi trung không thờ hai chúa, nên gặp ông vua là bạo chúa cũng không được bỏ. Lịch sử ghi rằng vua Trụ đời nhà Thương ở Trung Hoa quá ác, tướng Hoàng Phi Hổ bỏ vua Trụ theo nhà Chu vì không muốn làm ác theo vua, nên bỏ ông vua ác vẫn bị coi là bất trung, không tốt. Thậm chí ông vua bắt chết mà không chết cũng là bất trung, vì vậy có nhiều quan tướng quá trung thành đã bị sát hại. Điển hình như vào đời nhà Tống, ở Trung Hoa có ông Nhạc Phi giỏi, nhưng vua nghe lời thừa tướng nên giết ông này. Nhạc Phi cũng phải chấp nhận cái chết.
Ảnh minh họa. |
Ngoài quân thần, đạo Nho còn quy định về cách hành xử của phụ tử, theo đó con phải có hiếu, thậm chí cha bảo con chết thì phải chết, nếu không nghe theo là phạm tội bất hiếu. Và nếu cha bị giết chết, con phải báo thù cho cha gọi là mối thù không đội trời chung. Điều này làm nảy sanh tình trạng nguy hiểm cho xã hội. Thật vậy, khi một người bị giết, thì kẻ sát nhân lo sợ con cháu của người chết trả thù, cho nên để tránh hậu họa báo thù sẽ xảy ra, họ giết luôn cả ba họ, gọi là tru di tam tộc, hay giết cả chín họ, ngay đứa trẻ mới sanh cũng bị giết. Như vậy, luật lệ theo Nho giáo quá khắc nghiệt.
Ngoài ra, còn có đạo phu thê quy định rằng người con gái tại gia thì tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Nghĩa là con gái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu ngồi đó. Cha mẹ hứa hôn cho người bị bệnh cùi, con gái cũng phải chịu; thậm chí lúc đứa con chưa sanh, cha mẹ đã hứa gả con gái cho người mà khi sanh ra họ bị tật nguyền, việc cưới hỏi vẫn thành. Rõ ràng như vậy là quá khắc nghiệt. Đến khi phụ nữ có chồng phải tuyệt đối nghe lời chồng và hơn thế nữa còn phải chịu cảnh trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng. Và đến khi chồng chết, người mẹ phải nghe lời con trai, không thể khác. Như vậy, xã hội theo quy định tam cương của đạo Nho cổ đại quá bất công, chắc chắn không được chấp nhận trong thời đại ngày nay.
Đạo Phật có trước đạo Nho và Đức Phật có cái nhìn của đấng giác ngộ, hay nói cách khác, Đức Phật hiện thân trở lại thế giới này để cứu độ chúng sanh. Vì vậy, Phật có tầm nhìn rộng hơn, theo đó cuộc sống của mọi người ở đời này chịu ảnh hưởng của những gì họ đã tạo tác ở đời trước theo luật nhân quả. Tất cả những gì chúng ta có được hay phải gánh chịu hôm nay đều do chính chúng ta tạo ra từ kiếp trước và muốn biết đời sau của ta như thế nào thì coi cái nhân mà chúng ta đang tạo ở đời này. Như vậy, đạo Phật căn cứ trên luật nhân quả, căn cứ vào hiện tại mà biết quá khứ và căn cứ vào hiện tại biết được vị lai.
Một số tôn giáo cho rằng con người do Trời sanh ra. Đạo Phật không chủ trương như vậy. Đức Phật cho biết con người tùy nghiệp mà thọ sanh. Có hai hạng người, hạng thứ nhất Phật dạy rằng vì nghiệp báo quá khứ đã tạo mà sanh, nên không muốn cũng phải chấp nhận. Hạng thứ hai là các Bồ-tát vì nguyện độ sanh nên sanh lại, tất nhiên phải khác với người vì nghiệp quả mà sanh. Thật vậy, Bồ-tát muốn làm việc gì nên sanh lại để thực hiện điều nguyện của mình và khi làm xong hạnh nguyện ấy, trở lại thế giới riêng của các ngài. Thí dụ Phật muốn độ đời, Ngài sanh trong loài người và thuyết pháp giáo hóa xong, Ngài vào Niết-bàn. Ngài cho biết những gì đáng nói, Ngài đã nói, những người đáng độ thì Ngài đã độ, những việc cần làm, Ngài đã hoàn thành; cho nên Ngài vào Niết-bàn. Nói cách khác, Đức Phật hiện thân trên cuộc đời và từ giã cuộc đời hoàn toàn thanh tịnh, tự tại, giải thoát, không chút bất mãn, buồn phiền. Vì nguyện sanh thì làm như vậy. Còn vì nghiệp sanh thì điều ta không muốn lại tới, điều ta muốn không tới. Ý này được nhân gian diễn tả rằng ghét của nào trời trao của đó. Ai cũng muốn giàu sang, sung sướng, khỏe mạnh, thông minh, đẹp đẽ, nhưng Phật bảo rằng muốn mà không tạo nhân thì làm sao có cái quả. Cái gì mình muốn thì phải làm. Vì vậy, nhìn cuộc sống này mà biết được mối quan hệ của ta trong quá khứ, tức căn cứ vào nhân quả theo Phật giáo. Ngày nay, được sanh làm người, nhưng ta thường bệnh hoạn, hoặc thân thể bất toàn, Phật cho biết đó là do đời trước ta đã tạo ác nghiệp sát sanh hại mạng. Muốn giảm bớt nghiệp này, phải tu bằng cách trước kia sát sanh thì nay phải phóng sanh, trước kia hại người thì nay cứu người. Phải làm việc thiện thay cho việc ác và siêng năng lạy Phật để tạo mối quan hệ thánh thiện thì Phật sẽ gia hộ cho ta, nghiệp tiêu, phước tạo mới có cuộc sống tốt đẹp. Còn muốn nhưng không làm, hay làm bậy, quả báo càng xấu hơn. Phật nói rằng con người vì tham mà phạm sai lầm, tạo nghiệp giống như người khát nước lại uống nước muối thì phải khát thêm. Phật dạy phải dừng lại, không tạo ác nghiệp nữa, giống như Phật dạy Vô Não không được sát hại. Nghe lời Phật, ông sống đời phạm hạnh thì cũng trả được quả báo xấu. Chúng ta thấy người có phước làm vua, làm quan, nhưng vì họ tạo ác nghiệp, nên một đời cũng không trọn. Thực tế có tổng thống phải lưu vong, bị tù tội và chết nhục nhã là quả báo tới, không thoát được.
Các đạo khác chúng ta không bàn đến. Theo Phật, tất cả mọi việc tốt xấu đều theo luật nhân quả. Vì vậy, đạo đức Phật giáo căn cứ trên nhân quả để phán đoán. Nếu đời này chúng ta sanh ở chỗ nghèo đói, chiến tranh, hay nơi biên địa hạ tiện là do nghiệp duyên từ quá khứ. Hoặc gặp toàn người ác hại, không ai giúp đỡ cũng là nghiệp quá khứ. Còn đời trước đã tạo phước, đời này phải tốt. Thể hiện ý này, một hôm Phật đi khất thực tới làng bị chống đối. A Nan thưa với Phật rằng vua Tần Bà Sa La còn phải kính trọng Phật và dâng cúng thượng uyển, còn đám tiện dân này lại dám xem thường Phật. Với trí tuệ, Phật thấy đám tiện dân này đời trước là một đàn ong hễ thấy người là chích. Thực tế chúng ta thấy có người ở trên cuộc đời này thường thích châm chích người khác. Đức Phật biết tiền kiếp của những người này là đàn ong, nên bảo A Nan đi chỗ khác, đã có thầy của họ sẽ đến độ họ. Và Phật đã bảo Mục Kiền Liên đến độ và họ đã quy y. Phật cho biết đời trước tổ ong rớt xuống sông, bấy giờ Mục Kiền Liên là đạo sĩ đã vớt chúng lên, cứu chúng thoát chết. Nhờ ngài chú nguyện, chúng được hóa kiếp sanh làm người ở chung một làng. Một nhóm người, một dân tộc có quan hệ quá khứ, nên nay mới chấp nhận được nhau. Mục Kiền Liên cứu họ đời trước, nên đời này thấy ngài, họ liền kính trọng. Đức Phật chưa cứu họ, hay nói cách khác, họ không có duyên với Phật, nên không theo Phật. Thực tế cho thấy có người chúng ta vừa thấy là quý trọng liền, có thể đó là bạn của chúng ta trong kiếp quá khứ, có người vừa thấy ta thì họ khó chịu là biết đời trước giữa ta và họ đã có vấn đề. Riêng tôi, có người tôi tốt với họ, nhưng họ chỉ chờ sơ hở là gây khó khăn, đó chính là tiền khiên nghiệp báo gặp lại. Phật dạy chúng ta chấp nhận trả quả báo này, trả nợ quá khứ cho xong và nếu được thì nên chuyển hóa mối quan hệ giữa ta và họ trở thành tốt hơn. Như vậy, theo Phật, chấp nhận tất cả những gì xấu đổ lên ta để trả quả báo đời trước đã tạo. Điển hình như Vô Não buông dao, theo Phật tu hành. Ngài đi khất thực cũng bị đánh đập, nhưng nhớ lời Phật dạy luật nhân quả, nên chấp nhận mọi sự hành hạ đến với ngài. Vì đời trước, hay trong đời hiện tại, ngài đã tạo tội, nên phải chấp nhận quả báo xấu, nhưng tâm ngài không sân hận và hết nghiệp, Ngài đắc quả A-la-hán, được người kính trọng Ngài như vị Thánh. Đạo đức của Phật giáo là như thế.
Cao hơn nữa, tuy người đối xử tệ, nhưng ta làm điều tốt cho họ, giúp đỡ họ; đó là đạo đức theo Phật giáo thể hiện tinh thần lấy ân báo oán để chuyển hóa quả xấu thành quả tốt nhất. Ban đầu chúng ta thấy điều này không hợp lý, vì người xấu mà bảo ta phải tốt lại với họ thì khó chấp nhận. Tuy nhiên, nếu nghiệm lại sẽ thấy Phật và Bồ-tát khác chúng sanh, vì làm như vậy, các Ngài trả quả báo nhanh hơn, kinh gọi là chuyển khổ duyên thành lạc cụ, nghĩa là thay đổi Ta-bà thành chốn an vui. Luật nhân quả trả theo cách này nhanh hơn, chỉ sợ chúng ta không có điều kiện trả. Người tìm cách nói xấu, hại ta, nhưng ta vẫn kiên nhẫn tu, giúp được việc gì thì ta sẵn lòng. Bồ-đề quyến thuộc thấy sự hành xử cao thượng như vậy, họ sẽ quý ta hơn. Và nhân quả trả xong, thấy sự sai lầm của họ mà ta vẫn tốt lại thì họ phải thay đổi, sanh tâm kính trọng ta. Thể hiện lý này, Phật dạy Bồ-tát Văn Thù vào thành Vương Xá, bị ác ma nói xấu thì đừng đính chính, vì họ nói sai phải tự nói lại. Phật không xấu, nhưng họ nói Phật xấu, họ phải tự sửa chữa sai lầm của họ. Oan ức không cần biện minh, chỉ cố gắng lo sửa đổi ta thành người đạo đức, sợ chúng ta chưa tốt mà họ lại nghĩ ta tốt. Còn ta chưa tốt, họ nghĩ ta chưa tốt là điều bình thường. Trên bước đường tu, phải kiểm tra xem ta tốt hay chưa để sửa đổi.
Căn cứ trên nhân quả, Phật xây dựng tam quy ngũ giới. Trong tam quy, một là quy y Phật. Phật này là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Quy y Phật là chúng ta theo người phải có đủ mười hiệu này, hay nói cách khác là theo điều tốt, theo trí tuệ.
Hiệu thứ nhất của Phật là Như Lai nghĩa là tâm như như bất động. Vì vậy, ta theo một vị thầy cần quan sát coi tâm họ có động hay không. Họ dao động thì ta phải cẩn thận. Ta theo Phật vì tâm Phật bất động nghĩa là gặp chuyện đáng buồn, giận, ham muốn, Ngài vẫn an nhiên. Tâm Phật thanh thản như vậy, không bị tiền tài, danh vọng cám dỗ, nên chúng ta chấp nhận Ngài lãnh đạo ta. Không thể theo người mà lúc khó khổ thì họ cần ta, nhưng khi khá lên, họ thay đổi. Chuyện xưa cũng ghi lại hạng người như vậy, đó là Lưu Bang rất gian ác. Trương Lương biết rõ như vậy, nên chỉ sống với Lưu Bang lúc gian khổ, đến khi ông giúp Lưu Bang thành công rồi thì Trương Lương bỏ trốn, không ai tìm được. Hoặc Hàn Tín có công, nên được Hán Cao Tổ phong là Tề vương, nhưng Lưu Bang lại nghĩ rằng Hàn Tín có thể giết mình, nên đã giết luôn Hàn Tín. Hàn Tín lúc chết tức giận nói rằng làm chó săn giết giặc, nhưng hết giặc thì nó giết mình. Chọn người lãnh đạo phải thấy họ tốt thiệt hay lợi dụng mình thì xong việc khó sống. Chúng ta theo Phật thấy Phật không bị những điều ác độc chi phối. Ngài vứt bỏ ngôi vua để sống cuộc đời phạm hạnh, cứu độ chúng sanh thì Ngài lợi dụng chúng ta làm gì.
Hiệu thứ hai của Phật là Ứng cúng, nghĩa là Ngài được mọi người kính trọng, từ vua chúa cho đến trưởng giả và hàng trí thức đều quy ngưỡng Phật. Như vậy, Phật là bậc Đạo sư đáng tin cậy. Thực tế cho thấy Phật đã được vua Tần Bà Sa La dâng cúng thượng uyển. Quốc sư Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp đưa một ngàn đồ chúng đến quy y Phật. Xá Lợi Phất là người biện luận bậc nhất cũng dắt đồ chúng theo Phật. Ca Chiên Diên là chiêm tinh gia nổi tiếng cũng theo Phật. Chúng ta tin Phật vì đời sống của Ngài hoàn toàn thánh thiện và người tốt, người có uy tín đều theo Phật. Sanh tiền Phật là mẫu người trí tuệ và phước đức bậc nhất và khi Phật Niết-bàn, mọi người thỉnh xá-lợi Phật để tôn thờ. Phật hiện hữu trên cuộc đời để cứu độ chúng sanh, nên chúng ta quy y Phật vì lý do này.
Hiệu thứ ba của Phật là Minh hạnh túc nghĩa là những gì Phật nói, Phật dạy thì Ngài đã làm tốt đẹp trong quá khứ và trong hiện tại. Thật vậy, Phật cho biết Ngài đã trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu Bồ-tát hạnh, ngày nay mới thành tựu quả vị Phật. Nói rõ hơn là Phật đã từng xả thân cứu đời, nên mọi người đều ít nhiều thọ ơn Ngài, vì thế, họ kính trọng Phật là việc tất yếu. Không phải tự nhiên mà vua Tần Bà Sa La dâng cúng thượng uyển cho Phật. Không phải tự nhiên mà trưởng giả Cấp Cô Độc mua vàng lót đất để lập tinh xá cúng Phật. Hoặc trong sáu mươi kiếp trước, Phật đã từng độ Xá Lợi Phất đắc quả A-la-hán. Trí tuệ mà ông có được ngày nay là nhờ theo Phật tu học từ thời quá khứ, nên nay ông gặp Phật liền nhớ lại ơn tế độ của Phật đối với ông. Riêng tôi có kinh nghiệm này, khi gặp vị tôn túc nào mà tôi thấy thân quen, yên ổn là biết duyên thầy trò đã có, còn gặp nhau mà không chấp nhận được là biết oan gia, nên tránh.
Đạo đức theo Phật là những gì Ngài khuyên dạy thì Ngài đã làm đầy đủ mới kết thành năm phước. Muốn hành đạo, cảm hóa người, phải ít nhất có một, hai phước. Thí dụ muốn người theo, phải làm cho người bình yên. Còn mình đã khó khổ thì làm sao giúp người. Đạo đức thứ nhất, hay phước thứ nhất là tâm bình yên, thân bình yên và cuộc sống bình yên. Ai tới với hành giả cũng được như vậy. Không có công đức nào thì đừng mơ giáo hóa người. Phước thứ hai là có sức khỏe tốt để gánh vác việc cứu đời. Chúng ta cưu mang, giúp đỡ người được là đạo đức. Phước thứ ba là có quyến thuộc tốt. Điển hình là Đức Phật có phước lớn, vì Ngài có 1.200 La-hán phụ tá, tức toàn là người giỏi, tốt làm nòng cốt. Hiện hữu trên cuộc đời, quyến thuộc Bồ-đề hay người chung quanh tốt giỏi, ta làm được việc lớn. Nếu quyến thuộc dở, xấu, coi chừng ta bị mang họa. Phước thứ tư có được là tài sản hợp pháp tự nhiên tới. Nếu không có phước, nhưng có tham vọng, cố làm giàu bằng thủ đoạn, gian dối thì cuối cùng cũng bị tù tội. Có phước như thái tử Sĩ Đạt Ta sanh ra đã được hầu hạ, cung kính. Nếu sanh ở biên địa hạ tiện, chúng ta làm được gì. Sanh nhà nghèo khó, phiền não, tội lỗi là nghiệp. Sanh vô dòng họ thông minh, hiền đức như bảy đời dòng họ vua Tịnh Phạn nổi tiếng hiền đức. Và phước thứ năm là ngoại hình dễ coi.
Phước đời trước có rồi thì sự nghiệp sẽ thành tựu dễ dàng, không mong cầu mà được. Có người thưa với tôi rằng lúc mới ra đời không biết làm ăn, nhưng tiền vô như nước. Nay rớ vô đâu là thất bại, tiền mất. Tôi nói ông nhờ phước đời trước, nên được sanh vô gia đình giàu, sức khỏe tốt, thông minh và ngoại hình dễ coi; nhờ phước được bạn giúp đỡ, lên được. Người ta thường nói giàu nhờ bạn, nhờ họ thương giúp đỡ, nên từ người tay trắng dựng được nghiệp. Nhưng được rồi thì quên bạn, gọi là giàu đổi bạn, tức bắt đầu tạo tội lỗi. Những người xưa kia tốt với mình thì nay mình quên, còn người mới thì mình lừa dối họ. Đương nhiên lừa được một người, nhưng mất một trăm người, vì một người bị lừa sẽ nói ra tội lỗi của mình thì chẳng ai dám hợp tác với mình nữa. Phước hết, họa tới thì trắng tay, sự nghiệp tan. Các đạo hữu có bạn tốt nên trân trọng, giữ gìn, phát huy, đừng hưởng hết.
Quy y Phật, chọn Phật làm thầy, vì cả đời Ngài là tấm gương sáng mà chúng ta học hết đời mình cũng không đủ. Quy y pháp, pháp là nguyên tắc để sống có hai phần. Một là nguyên tắc sống trong xã hội, hay luật pháp mà xã hội nào cũng có, chúng ta phải tôn trọng. Vì vậy, muốn bình yên, đừng phạm pháp. Cao hơn, quy y pháp của các Thánh hiền đã sống, đó là pháp Tứ Thánh đế. Người sống theo Tứ Thánh đế sẽ đắc quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Là đệ tử Phật, chúng ta quy y pháp này sẽ ra khỏi sanh tử luân hồi. Cao hơn nữa, quy y pháp của Bồ-tát hành trì, đó là sáu pháp, hay mười pháp ba-la-mật. Quy y pháp này, chúng ta sẽ trở thành Bồ-tát và theo pháp hành của Bồ-tát để cứu đời, tạo công đức, tương lai sẽ thành Phật. Thực hiện đầy đủ ý nghĩa quy y pháp như vậy thì thành tựu quả vị Phật.
Quy y Tăng là chúng ta sống trong đoàn thể nào thì phải thương yêu, hòa hợp. Sống chung mà tranh chấp rất nguy hiểm. Vì vậy, Đức Phật nhắc chúng ta quy y Tăng là quy y Hiền Thánh Tăng. Thể hiện lý này, hành giả Pháp Hoa lạy Pháp Hoa hội thượng nhứt thiết Hiền Thánh Tăng. Nương theo Hiền thánh, chúng ta sẽ được an lành, vào cõi Thánh.
Sống với tam quy theo nghĩa lý nói trên là ba tiêu chuẩn của Phật, hành giả thể hiện đạo đức cao nhất. Nếu thêm nữa, giữ năm giới cấm là không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu. Tuân thủ năm điều này sẽ trở thành người tốt được an lành. Nhưng đây chỉ là điều tối thiểu trong đạo Phật, không phải là điều cao quý nhất.
Năm giới cấm nâng lên là thập thiện giới là mười điều lành của chư Thiên. Chúng sanh phải đọa trong ba đường ác vì tạo mười điều ác. Muốn lên Trời, phải tạo mười điều lành ứng vô ba nghiệp thân khẩu ý; đó là không sát sanh mà phóng sanh, không trộm cắp mà bố thí, không nói dối, nói ác, nói thêu dệt, mà nói lời chân thật, lời từ ái, lời hòa hợp và không tham lam, không bực tức, không si mê. Người giữ được mười điều lành này, tâm sẽ an lạc và sanh cõi Trời.
Tóm lại, đạo đức trong Phật giáo theo Phật dạy là con đường trải qua quá trình sống đạo đức của con người trở thành người tốt, nâng lên đạo đức của chư Thiên, tiến lên đạo đức của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát cho đến thành Phật là mẫu người đạo đức toàn thiện, toàn mỹ.
HT.Thích Trí Quảng