Jennifer Jayadas có vẻ ngoài và trang phục đặc trưng của những người phụ nữ Ấn Độ. Cô thường xuyên mặc bộ shalwar kameez truyền thống, quấn khăn dupatta và sống trong căn nhà đã cũ với cha mẹ. Điều khác biệt là cô không làm nông hay ở nhà, mà là người kiếm tiền chính của gia đình.
Jayadas là một nữ công nhân tại nhà máy của Foxconn ở Sri City, cách nơi cô ở vài km. Với mức lương 130 USD/tháng cùng một số tiện nghi cơ bản, cô ngày ngày kiểm định chất lượng những chiếc điện thoại iPhone mới trước khi xuất xưởng. Jayadas chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch lớn đối với cả Foxconn, những đối tác như Apple hay cả đất nước Ấn Độ.
Mắt xích trong chiến dịch "Make in India"
Chính sách "Make in India" do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi xướng năm 2014 với mục đích phát triển nền sản xuất tại đất nước này. Chiến dịch đó chắc chắn không thể thiếu những công ty sản xuất công nghệ cao, và không có ai phù hợp hơn Foxconn.
Một công nhân tại nhà máy của Foxconn tại Ấn Độ đang kiểm tra camera của iPhone. Ảnh: Bloomberg. |
Từng đóng vai trò quan trọng để biến Trung Quốc thành "công xưởng thế giới", Foxconn rất muốn làm điều tương tự tại Ấn Độ. Động lực của họ một phần đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra gần 2 năm nay. Những mức thuế mới liên tục được áp lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giờ đây đã chạm đến sản phẩm do chính Foxconn sản xuất cho các đối tác như Apple, Amazon.
Nhà máy đầu tiên của Foxconn ở Ấn Độ được mở năm 2015 ở vùng kinh tế đặc biệt, với ưu đãi về thuế. Giờ họ có 2 nhà máy tại nước này, và dự định mở thêm 2 nhà máy nữa. Foxconn có thể trở thành mắt xích quan trọng khi nước này dự tính sẽ sản xuất lượng điện thoại trị giá tới 400 tỷ USD trong 5 năm nữa.
"Trước đây, Ấn Độ chỉ sản xuất cho Ấn Độ thôi. Sẽ sớm tới ngày Ấn Độ sản xuất cho cả thế giới", Josh Foulger, Giám đốc Foxconn Ấn Độ chia sẻ.
Foxconn là một trong những công ty quan trọng nhất của chiến dịch "Make in India" do chính phủ Ấn Độ khởi xướng. Ảnh: Bloomberg. |
Chi phí nhân công Ấn Độ hiện tại chỉ bằng khoảng một nửa Trung Quốc. Họ cũng có nguồn nhân lực dồi dào, nhiều kỹ sư giỏi, và chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức với các công ty như Foxconn. Trung Quốc đã phát triển ngành sản xuất 30 năm. Kể cả khi lợi thế về chi phí nhân công đang mất đi, họ vẫn còn nhiều lợi thế về hạ tầng, quy trình để thu hút những công ty gia công.
"Khi Trung Quốc làm trong quá khứ, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn phân tán và chẳng có Trung Quốc nào trước đó. Ấn Độ không những phải cố gắng mà còn phải làm tốt hơn Trung Quốc, và chiến tranh thương mại sẽ chỉ giúp một chút thôi", Andrew Polk, nhà nghiên cứu tại Trivium China nhận xét.
Đội quân nữ công nhân thu nhập 4 USD/ngày của Foxconn
Có tới 90% công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn ở Sri City là nữ. Đây có thể là con số bình thường với Trung Quốc, nhưng lại là điều lạ với Ấn Độ. Tại vùng nông thôn, phụ nữ thường được giao cho các công việc gia đình hoặc trang trại không được trả lương. Phụ nữ ở khu vực này thậm chí không được phép làm việc vào ban đêm trong các nhà máy cho đến khi chính quyền địa phương và tòa án can thiệp bốn năm trước.
Vì hầu hết nhà sản xuất Ấn Độ thích thuê đàn ông, nên việc tuyển công nhân nữ của Foxconn dễ hơn bao giờ hết. Bù lại, Foulger phải học cách cung cấp những tiện nghi nhỏ dành cho phụ nữ. Nhiều công nhân tại đây chưa từng dùng điều hòa, cũng không có kiến thức cơ bản về vệ sinh. Foulger còn phải trả tiền bảo hiểm cho các công nhân nữ của mình và cung cấp xe buýt cùng phòng ký túc xá cho những người sống xa các nhà máy.
Lương tốt, điều kiện ăn ở, đi lại cũng được cung cấp, nhưng nhiều công nhân chỉ coi việc làm tại Foxconn là tạm thời. Ảnh: Bloomberg. |
Dù vậy, ông khẳng định tất cả các chi phí bỏ ra xứng đáng bởi phụ nữ Ấn Độ làm việc chăm chỉ và có thái độ nghiêm túc với những cơ hội họ nhận được. Mức lương của công nhân khá cao so với nhiều công việc khác, nhưng chỉ bằng 1/3 lương công nhân Trung Quốc.
Theo Bloomberg, điều kiện làm việc tại nhà máy Foxconn ở Ấn Độ tốt, không có những cáo buộc về đối xử tệ với công nhân như Trung Quốc. Dù vậy, nhiều công nhân vẫn chỉ xem đây là một công việc tạm thời. Một số người thì cho là công việc nhàm chán với thời gian làm việc quá dài. Một số lại thích những công việc như làm giáo viên, dù mức lương thấp hơn nhiều.
“Đầu tiên, phải sửa nhà đã”, Jayadas vừa nói về dự định tương lai, vừa chỉ về phía mái nhà mỏng manh và những bức tường bị hư hỏng. "Sau đó, tôi muốn tiết kiệm tiền để học một khóa về thẩm mỹ”.