Đội quân cua nhện xé xác bạch tuộc dưới đáy biển
Cảnh đội quân cua nhện khổng lồ xé xác bạch tuộc mới đây được ghi hình ở đáy biển thuộc vịnh Port Phillip, gần Melbourne, Úc.
Thế giới chúng ta đang sống thực sự không êm đềm như bạn tưởng. "Mạnh được, yếu thua" - các loài sinh vật luôn phải đấu tranh để sinh tồn theo quy luật này.
Và như để chứng minh cho sự tàn khốc của tự nhiên, mới đây đã có một đoạn video được cư dân mạng chia sẻ dữ dội. Nội dung nói về cảnh tượng chú bạch tuộc bé nhỏ lạc trúng vào giữa một bầy cua khổng lồ đang di cư.
Đó quả thực là một trải nghiệm đầy bi kịch cho bạch tuộc. Nạn nhân xấu số nhanh chóng bị lũ cua bâu vào xé xác, tạo ra cảnh tượng thể hiện sự khốc liệt hết mực của tự nhiên.
Theo Herald Sun, đàn cua nhện khổng lồ thường "xâm chiến" vịnh Port Phillip trong khoảng thời gian từ tháng 5-6. Khoảng 100.000 cua nhện sẽ lột xác, trút bỏ lớp áo cũ của mình.
Nhưng các thợ lặn Melbourne mới đây khá bất ngờ khi phát hiện ra đàn cua nhện đến sớm như vậy.
|
Cảnh đàn cua nhện xé xác bạch tuộc. |
Đoạn video do thợ lặn Chiharu Shimowada quay, ghi lại khoảnh khắc đàn cua nhện xâu xé từng chiếc tua bạch tuộc. Trong 10 năm hành nghề, người thợ lặn này nói ông chưa từng bắt gặp cảnh tượng nào như vậy.
Không ai biết chính xác lý do tại sao cua nhện di cư đến vùng nước nông hay tại sao loài vật quen sống đơn độc này lại tập trung một chỗ tạo thành đàn lớn. Chỉ biết rằng lần di cư của chúng trùng với giai đoạn lột xác - thời điểm lớp vỏ trở nên mềm và nhạy cảm nhất. Lúc này, chúng rất dễ trở thành mồi cho nhiều loài khác, nên có giả thuyết cho rằng chúng tập trung đông là để đảm bảo an toàn cho cả bầy.
|
Những con cua nhện tập trung lại thành đàn để tránh khỏi việc bị kẻ săn mồi ăn thịt. |
"Những con cua ở vùng nước rất nông, do đó ai cũng có thể đến quan sát hiện tượng thú vị này", Shimowada nói.
Tiến sĩ Mark Norman, giám đốc công viên bảo tồn Victoria nhận định, những con cua nhện, có kích thước tương đương một quả bóng đá, có thể bắt đầu tập trung với số lượng lớn trong tháng 3.
Theo chuyên gia Norman, cuộc di cư trùng với thời điểm lột xác để trở nên to lớn hơn, nên cua nhện đang dựa vào số lượng đông đảo để đảm bảo an toàn.
Sau khi lột xác, cơ thể những con cua rất mềm cho đến khi hình thành lớp vỏ mới, khiến chúng dễ bị cá đuối, cá mập và nhiều động vật săn mồi khác tấn công.
Những con cua nhện tập trung lại thành đàn lớn, giúp giảm nguy cơ bị ăn thịt. Thậm chí, những động vật biển xấu số có thể bị xé xác nếu mạo hiểm tiến quá gần vào đàn cua.
Và nếu chẳng may vớ được em bạch tuộc đi lạc như trong video trên thì mọi thứ thật là tuyệt vời. Sai một ly là đi cả đời, vậy mới bảo thiên nhiên tàn khốc thực sự là như thế nào.