Long Cốc là một xã miền núi thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, hơn 90% dân số là dân tộc Mường. Trên địa bàn diện tích trồng chè là 694,84ha, cây chè là một trong những nguồn thu chủ lực của người dân địa phương. Trong những năm gần đây cây chè không những phát triển về kinh tế từ chế biến chè búp mà còn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Các nhiếp ảnh săn mây sáng sớm tại đồi chè Long Cốc. |
Du khách quốc tế tại đồi chè Long Cốc. |
Đồi chè Long Cốc được ví như "Hạ Long của vùng Tây Bắc" với những đồi chè lớn nhỏ bát ngát đến tận chân trời. Cảnh đẹp trùng điệp xen kẽ của đồi lớn, nhỏ, nhiều hình thù thu hút nhiều nhiếp ảnh gia đến sáng tác và khách du lịch đến tham quan, đặc biệt vào thời gian cuối mùa thu, đầu mùa đông. Đã có nhiều có tác phẩm sáng tác tại đồi chè Long Cốc đạt các giải ảnh nghệ thuật trong nước và khu vực.
Du khách checkin tại đồi chè. |
Du lịch đồi chè Long Cốc đã hình thành trong vài năm gần đây, hiện nay tại xã Long Cốc đã có năm hộ kinh doanh Homestay phục vụ du khách các dịch vụ như ăn uống, lưu trú, cho thuê trang phục chụp ảnh, chương trình biểu diễn văn hóa dân tộc, trải nghiệm quy trình sản xuất chè xanh, chế biến ẩm thực địa phương…Khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố lân cận đến tham quan - chụp ảnh đồi chè, các đoàn du khách đến từ miền Nam thông qua các tour du lịch liên kết với các tỉnh Tây Bắc và các đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Du khách trải nghiệm nấu xôi ngũ sắc tại nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. |
Bên cạnh vẻ đẹp thiên phú, nét đặc sắc của văn hóa đồng bào dân tộc Mường, con người thân thiện nơi đây cũng là yếu tố hấp dẫn du khách. Để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc xã Long Cốc đã xây dựng các đội văn nghệ, các đội được tham gia các lớp truyền dạy do Sở VHTTDL tổ chức, hiện nay có thể biểu diễn phục vụ du khách. Bên cạnh các loại hình dịch vụ du lịch gắn với cây chè như tham quan chụp ảnh đồi chè, thăm cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm chè, trải nghiệm làm chè truyền thống du khách còn được thưởng thức chương trình biểu diễn văn hóa dân tộc Mường, chế biến ẩm thực dân tộc như đồ xôi ngũ sắc, làm thịt chua…
Bà Phùng Thị Hoa Lê, Trưởng phòng quản lý Du lịch – Sở VHTTDL Phú Thọ chia sẻ: "Với tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh Phú Thọ, danh thắng đồi chè là điểm tham quan mới được du khách đón nhận, yêu thích và hiện tại đã trở thành xu hướng "hot" thu hút giới nghệ sĩ nhiếp ảnh và du khách cả nước. Điểm du lịch đồi chè Phú Thọ rất thuận lợi cho khách du lịch tham quan các tour liên kết tỉnh Phú Thọ với vùng Tây Bắc, là điểm nhấn đặc biệt có sức lôi cuốn. Khác với vẻ đẹp của nhiều vùng chè trên cả nước, đồi chè Phú Thọ có nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được, mang đặc trưng của địa hình vùng đất trung du như đồi thấp chen đồi, san sát nối tiếp nhau. Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, du lịch đồi chè Phú Thọ sẽ trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc, cùng với Tà Xùa, Mù Cang Chải, Bắc Hà…Long Cốc sẽ là một trong những điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế ".
Du khách trải nghiệm sao chè truyền thống. |
Thưởng thức và tìm hiểu các loại trà tại HTX chè Long Cốc. |
Long Cốc cách Hà Nội 125km và cách thành phố Việt Trì khoảng 70km. Với hệ thống giao thông thuận lợi Long Cốc là điểm du lịch phù hợp với những du khách yêu thiên nhiên và văn hóa truyền thống. Thời điểm ưa thích khi đến Long Cốc của du khách là ngắm bình minh và hoàng hôn. Với tour hai ngày một đêm du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại homestay, ghi hình quá trình chế biến các món ẩm thực xứ Mường và làm xôi ngũ sắc tại nhà sàn dân tộc Mường, sau đó di chuyển lên đồi chè, hóa thân thành các chàng trai, cô gái Mường chụp ảnh checkin cảnh hoàng hôn trên đồi chè Long Cốc, ghi hình hoạt động hái chè của người dân nơi đây, buổi tối đốt lửa trại và trải nghiệm ẩm thực và giao lưu văn hóa Mường. Ngày thứ hai đón bình minh Long Cốc, trải nghiệm sao chè thủ công truyền thống, tìm hiểu quy trình tạo nên sản phẩm trà đặc trưng của Đất Tổ.
Với những lợi thế thiên nhiên ban tặng Long Cốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.