Số liệu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy ở Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp 25% GDP.
Danh sách nhóm 750 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới được công bố bởi Family Capital năm 2018 đã ghi danh 2 doanh nghiệp Việt Nam là Vingroup và DOJI.
Tuy nhiên, doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức do các chính sách kinh tế thay đổi liên tục, chưa tạo được môi trường kinh doanh ổn định, năng lực quản trị và quản lý của các doanh nghiệp gia đình chưa được chuẩn bị, chưa chuyên nghiệp hoá.
Trong đó, doanh nghiệp gia đình là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất trước những khó khăn này vì công ty được điều hành dựa trên quản trị gia đình chứ không dựa trên hệ thống quản trị khoa học.
Các diễn giả tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam chiều 31/10. |
Phát biểu tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tạp chí Nhà Quản Trị (TheLEADER) tổ chức tại TP HCM chiều 31/10, ông Phạm Phú Trường - Tổng giám đốc GIBC cho biết, ngoài các thách thức như một doanh nghiệp bình thường gặp phải, doanh nghiệp gia đình còn phải đối diện với các thách thức cũng như cơ hội có liên quan đến yếu tố gia đình.
Trong đó là mối quan hệ gia đình và sự kế thừa, các thành viên trong gia đình theo từng thế hệ sẽ có giá trị sống quá khác biệt, không hoà thuận hay không còn chung chí hướng.
Theo ông, để phát triển bền vững, doanh nghiệp gia đình Việt Nam phải thay đổi theo hướng chủ động và tích cực hơn, đặc biệt là ý thức của thế hệ sau trong việc giữ gìn và phát huy cơ nghiệp của gia đình.
Ông Phạm Phú Trường kể ra thách thức của doanh nghiệp gia đình Việt Nam. |
Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Legamex chia sẻ những câu chuyện thú vị qua những câu chuyện chuyển giao trong chính thực tế của gia đình của bà.
Bà Sơn cho biết doanh nghiệp Việt Nam chỉ muốn chuyển giao công việc quản lý cho người trong gia đình, không tin tưởng người có khả năng ngoài xã hội, sợ người quản lý học được bí quyết nghề, không trung thành nên không dám giao việc quan trọng. Các doanh nghiệp Việt cũng không tin đối tác cùng làm ăn, cùng phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, bà Sơn cũng cho rằng các doanh nghiệp gia đình cũng có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp của gia đình nên mặc dù phát triển chậm nhưng bền vững.
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đại An chia sẻ, thực tế trong các doanh nghiệp gia đình hiện nay rất ít thuê người ngoài vào vị trí chủ chốt. Hoặc, có thuê nhưng can thiệp quá sâu khiến họ không có điều kiện phát huy hết khả năng.
Trong khi đó, những người trong gia đình được đặt vào vị trí lãnh đạo khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm. Điều này gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp gia đình thành công là mạnh dạn lựa chọn những thành viên ngoài gia đình cho những vị trí phù hợp khi cần thiết, đồng thời bồi dưỡng cho thế hệ kế thừa.
Trong phần thảo luận, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết để có thể chuyển giao thành công trong doanh nghiệp gia đình thì nên chuyên nghiệp hóa mối quan hệ trong gia đình.
“Ở những doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới, họ thực hiện chuyển giao quyền hành cho thế hệ nhận chuyển giao khá sớm, có khi đến tận 10 năm” - ông Minh cho biết.
Để có thể chuyên nghiệp hóa mối quan hệ trong gia đình, những người chuyển giao nên ghi chép thành một kế hoạch, cập nhật qua năm khác, phân tích đối tượng chuyển giao có phù hợp với vị trí kế nhiệm hay không.
Bên cạnh đó, thế hệ chuyển giao và thế hệ nhận chuyển giao nên ngồi lại và chấp nhận sự khác biệt của hai thế hệ để đưa ra định hướng, văn hóa công ty hòa hợp với văn hóa gia đình khi đó việc chuyển giao sẽ đến tự nhiên.