Đức Long Gia Lai (DLG) lỗ liên tiếp 2 năm, đối mặt với án huỷ niêm yết cổ phiếu |
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã HoSE: DLG) hoạt động đa ngành trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, bất động sản, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, và nông nghiệp. Trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023, DLG đã báo lỗ.
Cụ thể, năm 2022, công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1.197 tỷ đồng và tiếp tục lỗ thêm 579 tỷ đồng trong năm 2023. Nếu tiếp tục thua lỗ trong năm 2024, cổ phiếu DLG sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai |
ĐHĐCĐ Đức Long Gia Lai (DLG) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25% so với năm trước) và 120 tỷ đồng lãi sau thuế (năm 2023 lỗ gần 579 tỷ đồng).
Kế hoạch này được đánh giá là tăng trưởng mạnh so với năm trước, đặc biệt trong bối cảnh DLG dự báo năm 2024 sẽ đối mặt với nhiều biến động từ kinh tế thế giới cũng như chủ trương và chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Kết thúc quý 1/2024, doanh thu của công ty đạt 266 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 69 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, DLG lãi hơn 35 tỷ đồng. Như vậy, DLG đã hoàn thành được 19% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai đạt 5.020 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn giảm xuống còn 468 tỷ đồng, trong khi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng lên tới 1.926 tỷ đồng, cho thấy rủi ro hoạt động của DLG tương đối lớn.
Cơ cấu nguồn vốn cũng cho thấy rủi ro khi nợ phải trả chiếm tới 4.455 tỷ đồng, tương đương 88,7% tổng nguồn vốn. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn của công ty chiếm 2.722 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần so với vốn chủ sở hữu hiện tại.
Về từng lĩnh vực kinh doanh, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, DLG đang tập trung vào việc quản lý và duy trì bảo dưỡng các dự án trên Quốc lộ 14 từ Gia Lai đến Bình Phước. Đồng thời, công ty đề xuất với cơ quan Nhà nước tăng mức thu phí cho CTCP BOT & BT Đức Long Đăk Nông theo đúng lộ trình hợp đồng BOT đã ký. Ngoài ra, DLG cũng có văn bản đề xuất với Chính phủ để hỗ trợ và giải quyết khó khăn liên quan đến việc đầu tư và vận hành các đoạn tuyến cao tốc Pleiku - Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa trước năm 2030.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, DLG đang tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin về các dự án năng lượng xanh và tái tạo đã được Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, nhằm chuẩn bị triển khai đầu tư giai đoạn 2024 - 2030.
Về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, DLG đang tập trung vào việc đầu tư và mở rộng thị trường các nhà máy và công ty tại Đông Quản (Quảng Đông, Trung Quốc), Hồng Kông và TP Thủ Đức để cung cấp sản phẩm mới và chất lượng. Công ty cũng đặt kế hoạch mở rộng thêm nhà máy tại các tỉnh thành như Bình Dương và Đà Nẵng.
Đối với các lĩnh vực truyền thống như khách sạn du lịch, chế biến sản phẩm đồ gỗ, chế biến đá granit và bazan, cũng như bến xe và bãi đỗ xe, DLG sẽ tiếp tục đầu tư để đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng.
DLG cũng đã đề ra kế hoạch phát triển cho năm 2025, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1,550 tỷ đồng và lãi sau thuế 170 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 11% và gần 42% so với năm 2024. Trong khi đó, năm 2026, DLG lên kế hoạch thu mang về doanh thu 1,700 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2025, và lãi sau thuế 250 tỷ đồng, tăng hơn 47%.
Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2024 - 2026 của DLG |
DLG sẽ tiếp tục tái cấu trúc tài chính, với mục tiêu đến hết năm 2025, tập trung vào ổn định sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp. Công ty đặt mục tiêu thanh toán hoàn toàn các khoản nợ vay từ các tổ chức tín dụng với số tiền trên 1,000 tỷ đồng, đồng thời tích lũy nguồn tiền để phát triển các dự án mới.
ĐHĐCĐ cũng đã thông qua ủy quyền cho HĐQT để quyết định một số vấn đề quan trọng như: điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024 linh hoạt phù hợp với biến động thị trường và các quy định; bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh; cơ cấu, tổ chức lại bộ máy quản lý và điều hành; quyết định về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc chuyển đổi; quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại cổ đông; và các giao dịch với các bên liên quan như mua bán hàng hóa, bán sản phẩm thành phẩm, và quản lý công nợ phát sinh.